Thực hiện giãn cách trong các bệnh viện

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 10-5, cả nước ghi nhận 129 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh từ 3.333 đến 3.461), trong đó có bốn người được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 125 ca ghi nhận trong nước, tại Bắc Ninh (27 ca), Vĩnh Phúc (20 ca), Ðà Nẵng (18 ca), Bắc Giang (15 ca), Hà Nội (20 ca), Hòa Bình (ba ca), Ðắk Lắk (một ca), Ðiện Biên (một ca), Lạng Sơn (một ca), Hải Dương (một ca), Hưng Yên (sáu ca), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (12 ca). 

Các ca mắc Covid-19 trong nước đều liên quan dịch tễ từ các ổ dịch: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều; Ðà Nẵng, Vĩnh Phúc… Như vậy, kể từ ngày 27-4 (ngày phát hiện ca Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng) đến nay, Hà Nội là địa phương có số ca mắc nhiều nhất (99 ca), tiếp đến Bắc Ninh (85 ca), Vĩnh Phúc (53 ca), Bắc Giang (47 ca), Hưng Yên (19 ca)... Dịch đã ghi nhận tại 25 tỉnh, thành phố. 

Về công tác điều trị người bệnh Covid-19, trong ngày, có 16 người bệnh được công bố khỏi bệnh, 67 người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần. Cùng ngày, Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19, Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch cùng các chuyên gia đầu ngành của cả nước có buổi hội chẩn điều trị cho bốn trường hợp nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (3.019, 3.153, 3.015, 3.028). Các chuyên gia đã thảo luận, khuyến cáo và đưa ra phương án điều trị phù hợp trong những ngày tiếp theo. Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các bệnh viện: đa khoa Ðông Anh, đa khoa Ðức Giang chuẩn bị nhân lực, phòng bệnh, trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận điều trị người bệnh nội trú chuyển tuyến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ðồng thời yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư rà soát số lượng người bệnh điều trị nội trú tại các khoa của bệnh viện, xem xét tình trạng bệnh tật, tiên lượng kết quả điều trị, giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh để chuyển xuống tuyến dưới tiếp tục điều trị. Xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 cho toàn bộ người bệnh, người nhà người bệnh trước khi thực hiện việc chuyển tuyến. Trước diễn biến số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, tỉnh Bắc Ninh quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 1, quy mô 300 giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du (xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) và Bệnh viện dã chiến số 2, quy mô 300 giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Gia Bình (thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình) để tiếp nhận điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện dã chiến khi đi vào vận hành sẽ cấp cứu, thu dung, cách ly, điều trị người bệnh tại chỗ theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, con người tại chỗ, thuốc men tại chỗ và phương tiện tại chỗ). Ðồng thời, xử lý kịp thời không để dịch lây lan trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và chết. Tối 10-5, Bộ Y tế có công điện yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc trường đại học và bệnh viện tuyến cuối khẩn trương thực hiện giãn cách trong bệnh viện; rà soát về mặt chuyên môn điều trị, lập danh sách, phân loại tình trạng người bệnh; xem xét cho ra viện hoặc chuyển về tuyến dưới. Hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu, bệnh ổn định. Bố trí khu vực “vùng đệm” để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu được ở lại chăm sóc), chỉ chuyển tuyến khi có kết quả âm tính; đồng thời chủ động xét nghiệm định kỳ theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời... Bố trí đủ nhân lực, phân chia ca kíp hợp lý, bảo đảm phục vụ người bệnh sau khi giãn cách; thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh, bảo đảm đủ nhân lực trong trường hợp bệnh viện bị cách ly, phong tỏa.

Trước tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng và tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh (CCSSXKD), khu công nghiệp (KCN), ngày 10-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường PCD Covid-19 tại CCSSXKD, KCN. Theo đó, đối với các tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc Covid-19 tại CCSSXKD trong KCN cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp F1,F2 tại CCSSXKD thông qua quản lý ca làm việc, ca-mê-ra tại các vị trí công cộng, căng-tin, nơi nghỉ ngơi giữa ca làm việc… để cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1. Ðồng thời, đề nghị khẩn trương phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho các tỉnh, thành phố danh sách những người lao động có liên quan ở các tỉnh, thành phố khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch PCD Covid-19 tại KCN trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly, xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 trong KCN và tổ chức diễn tập các phương án PCD Covid-19; quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại KCN; yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định PCD Covid-19…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố kích hoạt toàn bộ phương án PCD Covid-19 ở mức cao nhất. Theo đó, sẽ tái lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để kiểm soát người, phương tiện vào thành phố bằng đường bộ; kiểm tra đột xuất công tác PCD tại các KCN, khu chế xuất, nếu doanh nghiệp nào chưa bảo đảm độ an toàn PCD thì phải dừng hoạt động. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống phải thực hiện nghiêm các quy định trong PCD…

Tại các địa phương, tiếp tục tăng cường các hoạt động PCD nhằm kiểm soát, khoanh vùng dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở cách ly tập trung do UBND tỉnh, thành phố quản lý trên địa bàn phối hợp và tạo điều kiện cho Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống ca-mê-ra giám sát tại các cơ sở cách ly và kết nối hệ thống giám sát tập trung. TP Hải Dương tạm dừng hoạt động mua bán tại khu vực chợ Tân Kim ở đường Phan Ðăng Lưu và đường Nguyễn Quý Tân từ 12 giờ ngày 10-5 do có ca nhiễm Covid-19 đã đến chợ vào ngày 6-5, đồng thời trưa ngày 10-5, cách ly y tế một đoạn phố Nguyễn Thị Duệ, phường Thanh Bình là nơi có cửa hàng của người bệnh. Từ 0 giờ ngày 10-5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình được dỡ bỏ phong tỏa sau khi hơn 4.000 mẫu xét nghiệm của các cán bộ viên chức, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cho kết quả âm tính với vi-rút SARS-CoV-2. Ðơn vị chuyển sang thiết lập cách ly y tế theo diện hẹp hơn đối với một số đơn vị có nguy cơ cao gồm: Khoa Thần kinh, Khoa Lão khoa, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Trung tâm Ung bướu  (khu vực có tiếp xúc với người bệnh từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều kể từ ngày 22-4 trở lại đây). Các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính thuộc các khoa, phòng khác được ra viện và cách ly tại nhà. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, lập danh sách truy vết tất cả người dân đến và trở về từ TP Ðà Nẵng từ ngày 25-4 đến nay để phân loại, kịp thời phát hiện những người đã đến, làm việc tại cơ sở Thẩm mỹ viện Amida, vũ trường New Phương Ðông và các điểm dịch tại Ðà Nẵng theo công bố của Bộ Y tế. Liên quan đến công tác bầu cử, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế  Lê Trường Lưu đề nghị tùy theo tình hình mỗi địa phương để triển khai thực hiện trên nguyên tắc vừa phải bảo đảm an toàn PCD, vừa bảo đảm kế hoạch bầu cử, đẩy mạnh sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cử tri tiếp cận được với ứng viên, tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến. Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành kế hoạch bảo đảm công tác y tế và an toàn PCD Covid-19 cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, yêu cầu 100% điểm bầu cử trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; 100% các điểm bầu cử được khử khuẩn trước và sau cuộc bầu cử. Trong ngày bầu cử, bố trí cán bộ y tế đo thân nhiệt và khai báo y tế tại tất cả các điểm bầu cử cho cử tri trước khi vào phòng bầu cử; bố trí để cử tri đi bỏ phiếu theo từng khu vực, điểm dân cư theo từng thời gian nhất định, thực hiện phân luồng từ xa; hướng dẫn cử tri đi bầu lần lượt từng người, bảo đảm quy trình bỏ phiếu theo quy định và an toàn PCD...

Chiều 10-5, Bệnh viện Ðà Nẵng xác nhận, một nữ điều dưỡng của bệnh viện này bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 vào sáng cùng ngày. Nữ điều dưỡng không có tiền sử dị ứng. Ngay sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, nữ điều dưỡng có dấu hiệu sốc phản vệ với biểu hiện ù tai, khó thở, lập tức đơn vị đã xử lý kịp thời. Hiện, nhân viên y tế này đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tạm ổn; đơn vị cũng đang đánh giá giảm dần các thuốc và cai dần máy thở cho bệnh nhân.

Ngày 10-5, tại cột mốc 113 Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang và cột mốc 144 Cửa khẩu Huổi Puốc thuộc địa bàn huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðiện Biên tổ chức trao tặng vật tư y tế, lương thực, thực phẩm cho Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an hai tỉnh Phong Sa Ly, Luông Pra Băng (Lào), với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
 

Chiều 10-5, đồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy với UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố về PCD Covid-19, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố về công tác PCD Covid-19.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Ðinh Tiến Dũng đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố cần thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, ưu tiên PCD Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, “thần tốc” hơn nữa. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị từ quận, huyện đến xã, thôn, tổ dân phố phải thật sự là những “tư lệnh” trên mặt trận chống dịch, phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với các giải pháp phù hợp từng đặc điểm, điều kiện, thời điểm của từng địa bàn. Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, đúng luật. Ủy ban bầu cử các cấp chủ động có phương án, biện pháp cụ thể để tổ chức bầu cử tại những khu vực có dịch bệnh, bị cách ly, phong tỏa, cũng như các biện pháp PCD hữu hiệu ở các điểm bỏ phiếu. Thứ ba, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống.

Agribank hỗ trợ Bệnh viện K hai tỷ đồng phòng, chống dịch

Chiều 10-5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trao kinh phí hai tỷ đồng nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho Bệnh viện K. Hoạt động trao tặng được diễn ra tại khu vực cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, bảo đảm giãn cách và an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Cùng với việc hỗ trợ cho Bệnh viện K, Agribank tiếp tục trao tặng kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ðây là hai bệnh viện bùng phát dịch lớn nhất trong đợt dịch lần này.