Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua bảo hiểm y tế toàn dân

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã xác định: “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe”. Điều này được hiểu là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân phải dựa trên cơ sở nền tảng của bảo hiểm toàn dân hay chính BHYT là phương thức cơ bản để đạt mục tiêu mọi người dân được chăm sóc sức khỏe.

Các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ khối u gan cho người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ khối u gan cho người bệnh.

Bản chất của BHYT là cơ chế tài chính công dành cho chăm sóc sức khỏe, là phương thức bảo đảm các thành viên trong xã hội có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh; bảo vệ mỗi người, mỗi gia đình tránh khỏi các chi phí y tế vượt quá khả năng chi trả. Ngay từ khi triển khai chính sách BHYT, Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng hằng năm, đến năm 2019 đã có 89,9% số dân tham gia BHYT và dự kiến năm 2020 có thể đạt 90,7%. Có nhiều nguyên nhân làm cho tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng nhanh thời gian qua. Trước tiên phải khẳng định đó là chủ trương bao phủ BHYT toàn dân được thực hiện nhất quán như là một trụ cột trong chính sách an sinh xã hội, là tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Đi liền với đó là thể chế hóa chủ trương, chính sách một cách hợp lý thông qua các văn bản pháp luật, nghị quyết, chỉ thị của đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lộ trình và giải pháp thực hiện. Công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của toàn xã hội được đẩy mạnh, tạo dựng niềm tin trong nhân dân. 

Quyền lợi của người tham gia BHYT cũng liên tục được mở rộng trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, khoa học công nghệ ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất thuốc, vật tư y tế luôn phát triển không ngừng. Nhiều dịch vụ kỹ thuật đã được chi trả trong đó có nhiều loại dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như mổ tim hở, tim mạch can thiệp, thay ổ khớp nhân tạo, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, chạy thận nhân tạo... Tương tự, nhiều loại thuốc đắt tiền (điều trị ung thư, chống thải ghép, kháng HIV, điều trị bệnh lý rối loạn nội tiết, chuyển hóa) cũng được quỹ BHYT chi trả. Năm 2019 có gần 86 triệu người tham gia BHYT thì đã có 186,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; quỹ BHYT đã chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng cho chi phí khám, điều trị bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu rõ: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được định nghĩa là sự bảo đảm để mọi người có thể sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng khi cần thiết, đồng thời bảo đảm rằng việc sử dụng các dịch vụ này không làm cho người sử dụng gặp phải khó khăn tài chính. Như vậy, khi xác định BHYT là cơ chế để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thì có nghĩa BHYT cần bảo đảm cho tất cả mọi người, ai có nhu cầu đều được sử dụng dịch vụ y tế; cung cấp các dịch vụ y tế toàn diện về nâng cao sức khỏe, dự phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng có chất lượng. Bảo vệ người dân trước rủi ro tài chính nghĩa là chi phí sử dụng dịch vụ không làm cho người sử dụng phải chịu chi phí quá mức (chi phí thảm họa) hoặc rơi vào nghèo hóa do chi phí y tế.

Hiện, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt mức khoảng 90% số dân và mục tiêu đến năm 2025 đạt mức 95% là hoàn toàn khả thi. Cùng với sự phát triển nền kinh tế, chính sách BHYT không chỉ gia tăng và duy trì tỷ lệ tham gia BHYT cao (bao phủ về lượng) mà cần chuyển trọng tâm sang bảo đảm bao phủ về phạm vi dịch vụ được thụ hưởng và mức độ bảo vệ về tài chính - những yếu tố được xem là bao phủ về chất. Những giải pháp để cải thiện tình hình, khắc phục tồn tại, tiến tới BHYT toàn dân cần được thực thi trên cả ba phương diện của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. 

Đối với nhóm giải pháp mở rộng bao phủ BHYT, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm yếu thế, các địa phương huy động các nguồn lực, tiếp tục thực hiện chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia BHYT, nhất là với đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên. Tiếp tục  nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông phù hợp với đặc điểm nhóm đối tượng tham gia BHYT. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đóng BHYT, xử lý vi phạm các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHYT theo quy định của pháp luật. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế như cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách thái độ phục vụ, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong khám, chữa bệnh, cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ. Sử dụng hiệu quả nguồn lực và đáp ứng yêu cầu của nhân dân, trong đó chú trọng đến y tế cơ sở. Thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.

Tiếp tục nhóm giải pháp mở rộng phạm vi dịch vụ y tế do quỹ BHYT chi trả bằng việc mở rộng phạm vi dịch vụ chăm sóc sức khỏe do quỹ BHYT chi trả, bao gồm cả khám sàng lọc chẩn đoán sớm một số bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng thay vì chỉ chi trả cho dịch vụ khám, chữa bệnh như hiện nay. Điều này không chỉ đơn giản là việc mở rộng quyền lợi BHYT mà chính là giải pháp sử dụng quỹ BHYT công bằng, hiệu quả, giảm chi phí khám, chữa bệnh, điều trị nội trú. Điều chỉnh danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật do quỹ BHYT chi trả dựa trên các tiêu chí khoa học, đánh giá công nghệ y tế, đánh giá kinh tế y tế, bảo đảm sử dụng thuốc, vật tư y tế hay dịch vụ kỹ thuật hợp lý, bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, tránh lãng phí và ngăn chặn việc sử dụng dịch vụ y tế quá mức cần thiết.

Đối với nhóm các giải pháp tăng mức độ bảo vệ rủi ro tài chính, giảm chi tiền túi của người bệnh, cần nghiên cứu, điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu khám, chữa bệnh để có điều kiện tăng mức độ chi trả cho các dịch vụ y tế có chi phí lớn. Tăng cường hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm cho  người có thẻ BHYT được tiếp cận với dịch vụ y tế ngay gần nơi cư trú, giảm chi phí khi phải chuyển tuyến hoặc tự vượt tuyến. Y tế cơ sở phát triển, người bệnh đến khám phát hiện sớm sẽ giảm chi phí điều trị, tăng hiệu quả sử dụng quỹ BHYT. Kiểm soát chất lượng và việc cung ứng dịch vụ y tế, bảo đảm sử dụng dịch vụ hợp lý. Đổi mới phương thức chi trả chi phí khám, chữa bệnh cũng là một giải pháp vừa để kiểm soát chi phí, vừa giảm số tiền người bệnh phải cùng chi trả. Phương thức thanh toán theo nhóm chẩn đoán là một lựa chọn hợp lý đối với phần lớn các trường hợp người bệnh điều trị nội trú. Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách tiếp cận mang tính hiệu năng, hiệu quả và bao hàm nhất để nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần và xã hội cho mọi người, cũng như cho xã hội, và chăm sóc sức khỏe ban đầu là nền tảng của một hệ thống y tế bền vững cho mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe. 

Việc quyết tâm thực hiện đồng thời cả ba phương diện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT toàn dân là một thách thức lớn, yêu cầu những điều kiện nhất định và đòi hỏi những nỗ lực từ Nhà nước, cộng đồng, người dân và các đơn vị cung ứng dịch vụ BHYT, dịch vụ khám, chữa bệnh trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Đó cũng là chủ đề của Ngày BHYT Việt Nam (1-7) năm 2020 là “Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.