Thêm cơ hội cứu sống người bệnh

Hơn mười năm nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức tập trung vào phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm với khu vực và thế giới, trong đó có lĩnh vực ghép tạng. Những kỹ thuật tiên tiến đó đã và đang được các thầy thuốc của Việt Ðức chuyển giao cho tuyến dưới để mở ra cơ hội cứu sống nhiều người bệnh.

 Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức thực hiện ca ghép phổi cho người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức thực hiện ca ghép phổi cho người bệnh.

 

Là đơn vị ngoại khoa đầu ngành của cả nước, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức thực hiện khoảng 70 nghìn ca phẫu thuật, trong đó hơn 70% là phẫu thuật loại một và loại đặc biệt. Ðến nay, Bệnh viện là đơn vị dẫn đầu cả nước về ghép tạng từ người cho chết não; là cơ sở lớn nhất ở Việt Nam có kinh nghiệm trong việc lấy đa tạng từ người chết não để ghép cùng lúc cho nhiều người bệnh. Nhờ đó đã giải quyết được những vấn đề về chết não như: Chẩn đoán chết não, hồi sức chết não để lấy tạng ghép, chỉ định lấy các tạng ghép của người bệnh chết não, các kỹ thuật lấy và bảo quản tạng ghép ở người chết não… Ðiều này đã giúp thực hiện những ca ghép tạng không thể lấy từ người cho sống như ghép tim, ghép tụy, ghép phổi, ghép đa tạng… góp phần giải quyết được vấn đề khó khăn nhất của ghép tạng là thiếu nguồn cho tạng.

Trong phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện cũng luôn giữ vững vai trò tuyến cuối, đáp ứng nhu cầu điều trị ngoại khoa các bệnh tim mạch phức tạp và nặng nhất. Tại Việt Nam, ca ghép tim từ người cho đa tạng thực hiện lần đầu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức năm 2011 đã mở ra một hướng mới điều trị người bệnh bị bệnh tim giai đoạn cuối ở Việt Nam; có thể lấy đa tạng để ghép cho nhiều người bệnh và ghép đa tạng (cùng một lúc ghép hai tạng trên một người bệnh). Ðây là bằng chứng rõ ràng về sự tiến bộ vượt bậc trong ghép tạng. Ðáng chú ý, năm 2018, lần đầu tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã lấy đồng thời sáu tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não. Các bác sĩ đã ghép năm tạng cùng một thời điểm cho bốn người bệnh và điều phối "xuyên Việt" đưa một quả thận vào ghép cho một bệnh nhi ở TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2019, có 57 người bệnh chết não hiến tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã ghép tim cho 25 trường hợp, ghép phổi cho hai trường hợp, ghép gan cho 54 trường hợp và ghép thận cho 99 trường hợp.

Nhằm phát triển phẫu thuật ghép tim thành phẫu thuật thường quy, có thể áp dụng ở những trung tâm tim mạch lớn trong cả nước, năm 2016, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã chuyển giao kỹ thuật "Ghép tim từ người cho chết não" cho Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp những người mắc bệnh tim tưởng chừng không thể cứu chữa hồi sinh cuộc đời. Tiếp nối những thành công đó, mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức tiếp tục chuyển giao kỹ thuật ghép tim này cho Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Các nội dung đào tạo, chuyển giao kỹ thuật gồm có: Ðiều trị người bệnh suy tim; hồi sức người bệnh nhận tim; chẩn đoán người bệnh chết não; hồi sức người bệnh chết não hiến đa tạng; gây mê trong phẫu thuật lấy đa tạng; gây mê trong phẫu thuật ghép tim; phẫu thuật lấy tim từ người hiến đa tạng; phẫu thuật ghép tim; hồi sức người bệnh sau ghép tim; điều trị, theo dõi người bệnh sau ghép tim; chạy máy tim phổi nhân tạo trong ghép tim; điều dưỡng chăm sóc người bệnh sau ghép tim… Trong thời gian đào tạo, các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức sẽ hỗ trợ Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cả về con người và máy móc. Ðây sẽ là tiền đề để hai đơn vị tiếp tục hợp tác triển khai gói kỹ thuật ngày càng hiệu quả, giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và giảm chi phí cho người bệnh.

Sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức và các bệnh viện lớn là mô hình hợp tác mẫu về sự hỗ trợ giữa các bệnh viện cùng hội nhập và phát triển, đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại các đơn vị, góp phần tăng cơ hội cho người bệnh chờ ghép tim tại miền nam và cả nước. Sự thành công của việc ghép tạng mở ra triển vọng điều trị những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối và góp phần thúc đẩy nhiều chuyên ngành y học khác. Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho người bệnh những hy vọng sống cùng cơ hội vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.