Thách thức cần vượt qua

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, và tiếp tục là một trong những thách thức chủ yếu trong thế kỷ 21.

Các BKLN gây tử vong gồm: bệnh tim mạch (chiếm 44% trong tổng số tử vong do BKLN và 31% số tử vong toàn cầu); ung thư (chiếm 22% tổng số tử vong do BKLN, 16% số tử vong toàn cầu); bệnh phổi mạn tính (chiếm 9% tổng số tử vong do BKLN, 7% số tử vong toàn cầu); đái tháo đường (chiếm 4% tử vong do BKLN và 3% số tử vong toàn cầu)...

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, 80% số ca bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và hơn 40% số ca ung thư có thể phòng ngừa được thông qua chế độ ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.

Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các BKLN. Thống kê cho thấy, hiện nay cứ 10 người chết thì có gần tám người do BKLN. Ước tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 người chết, trong đó chết do BKLN chiếm 77%; 44% số ca tử vong do BKLN là trước 70 tuổi. Đáng chú ý, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; hai triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 165 nghìn ca mắc mới ung thư… Ngoài ra, các bệnh rối loạn tâm thần, trầm cảm - sa sút trí tuệ, tự kỷ ở trẻ em vẫn tiếp tục tăng... Điều đó đòi hỏi ngành y tế và chính quyền các địa phương bám sát, thực hiện có hiệu quả giải pháp phòng, chống các BKLN.

Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các nghị quyết, chương trình hành động, đề án về tăng cường y tế cơ sở ứng phó BKLN. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống BKLN giai đoạn 2013-2020; trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam được công bố vào tháng 2-2019 thì phòng, chống BKLN là một ưu tiên chính. Đến nay, Việt Nam đạt được chín trong 19 chỉ số đánh giá tiến độ và năng lực đáp ứng quốc gia về phòng, chống BKLN. Mặt khác, ngành y tế và các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, để người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng BKLN hiệu quả.