Tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương

Ngày 21-1, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo và chuyên gia phân tích và nhận định, mặc dù đã có 46 quốc gia triển khai tiêm vắc-xin nhưng để tiêm được hết cho người dân và tạo ra miễn dịch cộng đồng cũng còn lâu dài, trong khi biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nhiều nước, lây lan nhanh hơn. Vì vậy, kể cả những nước đã triển khai tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới. Ðến nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tăng cường lực lượng cho bộ đội biên phòng, có những hỗ trợ kịp thời cho các chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường biên giới. Lực lượng công an cũng đã có sự phối hợp các địa phương, phổ biến xuống tận cơ sở để tuyên truyền, vận động những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về thì phải theo đường hợp pháp, tuân thủ các quy định về cách ly, giám sát y tế; trường hợp, người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho công an, chính quyền cơ sở.

Về nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước, đại diện các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an đã bàn và thống nhất bảo đảm đúng năng lực cách ly trong nước. Các bộ này sẽ báo cáo cấp thẩm quyền và giải quyết trên tinh thần động viên bà con tuân thủ các quy định phòng chống dịch, pháp luật nước sở tại, việc không về nước thời điểm này cũng là đóng góp cho công tác phòng chống dịch ở trong nước; đồng thời có cơ chế tổ chức các chuyến bay phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Ðại diện các bộ Giáo dục và Ðào tạo, Công thương, Giao thông vận tải cho biết đã tích cực triển khai, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá và cập nhật lên bản đồ chống dịch đối với các trường học, chợ, trung tâm thương mại, các phương tiện giao thông công cộng… Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa ý thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác này nên tiến độ thực hiện còn chậm. Trong dịp giáp Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương.

* Sáng 21-1, Trường đại học Y Hà Nội phối hợp Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Viện Vệ sinh dịnh tễ T.Ư tổ chức lễ khởi động Chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVIVAC do IVAC nghiên cứu sản xuất. Vắc-xin COVIVAC đã được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5-2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Ðộ, Mỹ và Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người. Theo kế hoạch thử nghiệm, giai đoạn một được thực hiện tại Trường đại học Y Hà Nội, với khoảng 120 người tình nguyện; dự kiến tiêm vắc-xin thử nghiệm vào tháng 2-2021. Nếu vắc-xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục giai đoạn hai, triển khai nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn.

COVIVAC là vắc-xin dạng dung dịch được sản xuất dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này đang được sử dụng để sản xuất vắc-xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Như vậy, đây là cuộc thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 thứ hai do Việt Nam sản xuất trên người tình nguyện.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 21-1 ghi nhận thêm hai ca mắc Covid-19, là người bệnh thứ 1.545 và 1.546 tại nước ta. Hai người bệnh này từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Cam Ranh ngày 1-1 trên chuyến bay VN441; hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Trong ngày 21-1 cũng có năm người mắc Covid-19 (ca bệnh thứ 1.454, 1.438, 1.422, 1.471, 1.458) được công bố khỏi bệnh.