Tâm huyết, trách nhiệm trên tuyến đầu chống dịch

Trong "bão" dịch Covid-19 ở Hải Dương, thế hệ trẻ đã phát huy tinh thần và phẩm chất quý báu "Ðâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", xung kích ở mọi điểm nóng, trên mọi mặt trận, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng.

Sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là lực lượng nòng cốt trong việc lấy mẫu xét nghiệm tại các vùng tâm dịch ở Hải Dương.
Sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là lực lượng nòng cốt trong việc lấy mẫu xét nghiệm tại các vùng tâm dịch ở Hải Dương.

Xông pha ở mũi đầu chống dịch là sự cống hiến hết mình của đội ngũ sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Dịch bệnh bùng phát ở TP Chí Linh ngày 28-1, ngày 29-1, Bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh được thành lập tại Bệnh viện của trường. Ngay lập tức gần 600 sinh viên Ðại học Kỹ thuật y tế đã điền tên mình vào phiếu tình nguyện để tham gia phòng, chống dịch (PCD).

Bí thư Ðoàn trường Phạm Thanh Hà cho biết: 471 sinh viên đã tình nguyện không về quê ăn Tết mà ở lại trực tiếp tham gia PCD. Trong đó, 60 sinh viên xung phong vào vùng nguy hiểm, tham gia công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với các F0 tại Bệnh viện dã chiến số 2; hơn 200 bạn ngày đêm tham gia lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại các điểm nóng, cả vùng tâm dịch ngay từ những ngày đầu; 57 bạn làm công tác điều tra, truy vết F1, F2. Các sinh viên còn lại thường xuyên túc trực hỗ trợ các điểm cách ly tập trung, phục vụ tại bếp ăn của Bệnh viện dã chiến. Môi trường làm việc căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2, nhưng với tinh thần tình nguyện xung kích, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, các thầy thuốc tương lai đã vượt qua tất cả, cống hiến vì sức khỏe của người bệnh và của cả cộng đồng.

Phục vụ trong "vùng đỏ", sinh viên Trần Ngọc Ánh (quê huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên) kể lại: "Ngày đầu tiên khi nghe tin bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn cần người, chúng tôi cũng thoáng nghĩ tới khả năng có thể bị lây nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và nhịp đập trái tim như mách bảo, chúng tôi đã cùng "ngoắc tay" quyết định ở lại tham gia "chiến đấu", coi đây là cơ hội, là thời cơ để thử thách bản thân". Có con nhỏ mới ba tuổi, chị Phạm Thị Huệ, y tá điều dưỡng, Ðoàn viên thanh niên Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hải Dương, cũng xung phong cùng 90 đoàn viên, thanh niên và cán bộ y tế đến Bệnh viện dã chiến số 3 để chăm sóc, điều trị người bệnh. Chị tâm sự: "Nhiều khi thương con đến trào nước mắt vì chồng là cán bộ công an, cũng thường xuyên đi trực tham gia chống dịch. Nhưng tôi biết, nếu tất cả không quyết liệt, đồng lòng, thì cuộc chiến này có lẽ sẽ rất dài. Vì vậy, hai vợ chồng luôn động viên nhau toàn tâm cống hiến nơi tuyến đầu chống dịch, tin tưởng ngày đoàn tụ sẽ không xa".

Thành đoàn Hải Dương có gần 200 đoàn viên, tình nguyện viên tham gia trực chốt kiểm soát và phục vụ tại các khu cách ly tập trung, tham gia truy vết cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong đó, hàng chục bạn trẻ đã xung kích nhận nhiệm vụ xuyên Tết trong hai khu cách ly tập trung của thành phố, thậm chí đến nay vẫn miệt mài phục vụ. Thành đoàn còn triển khai đội hình thanh niên tình nguyện giúp nông dân Tứ Kỳ thu hoạch nông sản, vận chuyển tới các bếp ăn dã chiến, khu vực bị phong tỏa, khu nhà trọ công nhân tại thành phố. "Bếp ăn thanh niên" là một mô hình hiệu quả, hỗ trợ lực lượng PCD ở TP Hải Dương. Bí thư Thành đoàn Nguyễn Thị Lệ Chi hồ hởi cho hay: "Bếp ăn thanh niên" thành lập từ ngày 22-2 với ba nhóm nấu ăn phục vụ lực lượng tại các chốt kiểm soát dịch cấp xã. Toàn bộ kinh phí do đoàn viên thanh niên, một số nhóm thiện nguyện kêu gọi và nhiều cá nhân hỗ trợ. Hằng ngày, các thanh niên tình nguyện nấu và tự cung cấp gần 400 suất ăn nóng hổi vào hai bữa trưa, tối theo nhu cầu đến 31 chốt kiểm soát dịch của thành phố.

Từ đầu tháng 2 đến nay, Huyện đoàn Cẩm Giàng huy động 320 đoàn viên thanh niên tham gia PCD. Trong đó, có 145 người tham gia trực chốt, 14 người tham gia phục vụ khu cách ly tập trung, 161 người làm tuyên truyền viên PCD. Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên các xã trong huyện còn có nhiều hoạt động linh động hỗ trợ công tác PCD. Ðoàn thanh niên các xã Cẩm Hưng, Ðịnh Sơn xung kích vận chuyển rau, củ, quả miễn phí cho người dân các thôn phải cách ly. Ðoàn xã Ngọc Liên giúp thu hoạch, phân phối rau màu, hỗ trợ tiền mua phân bón cho nông dân. Ðoàn thị trấn Cẩm Giang tiếp nhận rau, củ, quả, hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm. Ðoàn các xã Cẩm Vũ, Ðức Chính, Cẩm Hoàng tham gia các hoạt động tuyên truyền PCD, xử lý vi phạm, phun khử khuẩn… Bí thư Ðoàn xã Ðịnh Sơn Nguyễn Văn Thường cho biết: Khi nhân dân trong vùng phong tỏa thiếu rau xanh thì nhiều hộ trồng rau đã ngỏ ý hỗ trợ, các đoàn viên chỉ việc thu hoạch và chuyển đến những hộ có nhu cầu. Mỗi ngày, Ðoàn xã Ðịnh Sơn thu được khoảng bốn tấn rau, củ, quả.

Hải Dương vừa gỡ bỏ cách ly xã hội toàn tỉnh vào ngày 3-3 sau hơn một tháng gồng mình chống dịch. Tỉnh đã chuyển sang trạng thái mới, vừa quyết liệt dập dịch vừa giành giật khoảng thời gian đã mất để thực hiện mục tiêu kép vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Thế hệ trẻ đang sinh sống làm việc trên quê hương Hải Dương sẽ không quản ngại mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, cống hiến hết mình vì cuộc sống bình an của nhân dân, vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Quốc Vinh