Tai nạn bỏng ở trẻ em

Cháu Đặng Đức H. (8 tuổi) bị bỏng toàn thân đang được điều trị.
Cháu Đặng Đức H. (8 tuổi) bị bỏng toàn thân đang được điều trị.

Tử vong do bỏng cao hơn các bệnh nhiễm trùng

Mất gần 2 tháng điều trị, các bác sĩ mới giành lại sự sống cho 2 anh em P.T.H, 7 tuổi và P.H.V, 5 tuổi, ở Lý Nam Đế, Hà Nội do bị bỏng cồn. Người nhà của 2 em kể lại, trong lúc bố mẹ bận tiếp khách thì 2 anh em lúi húi nướng mấy con mực được mang về sau chuyến nghỉ mát của cả nhà. Do cồn cháy gần hết mà mực chưa chín, nên cậu anh cầm cả can cồn đổ vào đĩa. Chưa kịp đổ thì hơi cồn đã bắt lửa bốc lên dữ dội, H. hoảng hốt quăng luôn cả can cồn, không may lại đúng vào phía cậu em trai đang ngồi... Tai nạn thương tâm đã rơi cả vào 2 em nhỏ.

Hai anh em H. và V. đều bị bỏng sâu nên quá trình điều trị khá phức tạp. Ngoài thời gian 2 tháng điều trị, thì cả năm sau đó anh em H., V. cũng phải 2- 3 lần trở lại bệnh viện để được phẫu thuật tạo hình. PGS-TS Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, cho biết thông thường khi bị bỏng mọi người thường hoảng loạn, đặc biệt trẻ nhỏ thường la hét và chạy. Do gặp ô-xy, lửa sẽ bốc cháy mạnh hơn nên rất dễ dẫn đến bỏng đường hô hấp, trong khi đó điều trị bỏng đường hô hấp rất phức tạp nên tỷ lệ tử vong cao. Theo PGS Năm, tỷ lệ trẻ em bị bỏng chiếm từ 38%- 65% tổng số nạn nhân bỏng. Diễn biến bỏng trẻ em thường nặng nề và phức tạp, tỷ lệ tử vong dao động từ 5%- 15%, tỷ lệ di chứng lớn từ 20%- 25%...

Mùa hè: Trẻ bị bỏng tăng mạnh

Theo TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng quốc gia, mỗi năm nơi này tiếp nhận khoảng 3.500 bệnh nhân bỏng, trong đó 1.500- 1.700 là trẻ em. Số bệnh nhi nhập viện do bỏng thường tăng mạnh vào mùa hè. TS Lượng lý giải, đây là thời gian trẻ được nghỉ hè, do bố mẹ đi làm không có người quản lý nên rất dễ xảy ra tai nạn. Đáng báo động là trẻ bị điện giật trong những năm gần đây tăng nhanh, đặc biệt ở các vùng quê trẻ thường bị bỏng điện trong quá trình thả diều, leo trèo cột điện...

Nghiên cứu dịch tễ bỏng trẻ em của bác sĩ Hồ Thị Xuân Hương, Viện Bỏng Quốc gia, cũng chỉ rõ: Hơn 80% trường hợp bỏng do trẻ tự gây ra, bé trai bị bỏng nhiều hơn bé gái. Đặc biệt, tai nạn bỏng xảy ra nhiều nhất ở thời điểm từ 17 giờ đến 21 giờ (40,32%) và 10 giờ đến 14 giờ (38,35%), xảy ra trong nhà là chủ yếu (khoảng 87%). Đây là giờ cao điểm trong sinh hoạt của người Việt Nam, người lớn bận việc nên sao nhãng việc quản lý trẻ, khiến tai nạn dễ xảy ra.

Hơn 80% số trẻ bị bỏng dưới 5 tuổi

Bốn lời khuyên về xử lý bỏng tại nhà

1. Nên làm mát vết thương bằng cách dội nước lạnh lên chỗ bị bỏng, sau đó che phủ vết bỏng bằng vải sạch và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

2. Hiện nay trên thị trường có bán một số loại thuốc xịt vết bỏng có tác dụng làm lạnh, giảm đau nhưng sau khi xịt cho trẻ, các bậc cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được băng bó, chăm sóc vết thương đúng cách. Không nên để trẻ ở nhà và xịt nhiều lần vì có thể tạo thành lớp màng che vết bỏng và gây nhiễm trùng.

3. Không nên dùng nước mắm, kem đánh răng... bôi lên vết bỏng, vì chẳng những không làm giảm tổn thương mà còn gây thêm đau đớn.

4. Chỉ sử dụng thuốc đông y, tây y ở giai đoạn đầu bị bỏng. Sau đó, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá vết bỏng. Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ can thiệp ngoại khoa để hạn chế di chứng của bỏng.

Theo TS Lượng có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị bỏng, trong đó, bỏng nhiệt ướt (nước sôi, thức ăn nóng...) vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó trẻ dưới 12 tháng tuổi chiếm khoảng 16% trong tổng số gần 80% trẻ dưới 5 tuổi bị bỏng do nhiệt ướt. Trẻ bị bỏng dễ mắc một số bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nếu vết bỏng sâu tự liền sẹo do điều trị bảo tồn thường gặp các di chứng như sẹo xơ co kéo và gây biến dạng cơ thể khi lớn lên.

TS Lượng cũng cảnh báo, có rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng do sơ suất trong quá trình tắm cho trẻ. Thông thường, khi tắm cho trẻ phải cho nước lạnh vào trước rồi mới cho nước nóng để có nước đủ ấm tắm cho trẻ, tuy nhiên nhiều người do không biết hoặc quên nên có khi chỉ đổ nước nóng ra chậu đã cho trẻ vào tắm.

TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Điều trị Bỏng trẻ em của Viện bỏng Quốc gia, cho hay tỷ lệ tử vong bỏng ở trẻ em đã được giảm xuống, từ 13,2% trong giai đoạn 1985-1990 còn 2,78% trong giai đoạn 2002-2004, tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn chiếm khoảng 86% và tử vong trong thời điểm 4-22 ngày sau nhập viện là chủ yếu (78%). Nguyên nhân chính là do trẻ bị sốc nhiễm khuẩn và sốc nhiễm trùng, nhiễm độc với các biến chứng như: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa... Xử lý bỏng ban đầu tại gia đình có ảnh hưởng lớn tới việc giảm độ sâu tại vết bỏng, cải thiện tốt quá trình diễn biến toàn thân bệnh bỏng ở trẻ, tuy nhiên, có tới hơn 80% các trường hợp bỏng xử lý ban đầu sai.