Sức sống của phong trào hiến máu tình nguyện

Tròn 20 năm, kể từ khi khởi đầu một phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: hiến máu tình nguyện (HMTN). Sự phát triển rộng khắp và từng bước được thực hiện bài bản, với sự tham gia tích cực của rất nhiều tình nguyện viên là nhờ tính chủ động, sáng tạo, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm trong công tác vận động và tổ chức hiến máu.

Các hội viên Chi hội 15-10 hướng dẫn người dân điền thông tin vào hồ sơ hiến máu tình nguyện tại buổi hiến máu lưu động định kỳ. Ảnh: VĂN CHIẾN
Các hội viên Chi hội 15-10 hướng dẫn người dân điền thông tin vào hồ sơ hiến máu tình nguyện tại buổi hiến máu lưu động định kỳ. Ảnh: VĂN CHIẾN

Sẵn sàng hiến máu khi cần

Vừa lau những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, nam sinh viên Trần Văn Quyền, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Chi hội trưởng 15-10 (Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội) vừa kể cho chúng tôi một việc nghĩa mà nhóm vừa hoàn thành. Nhận được thông tin Bệnh viện Việt Đức đang cấp cứu một cháu bé chín tuổi (quê ở Hải Phòng) bị tại nạn giao thông cần một đơn vị máu nhóm O (máu hiếm) để cấp cứu. Bệnh viện đề nghị Chi hội 15-10 cử một người thuộc nhóm máu nêu trên đến bệnh viện ngay để hiến máu. Do các thành viên trong chi hội biết rõ từng bạn thuộc nhóm máu gì cho nên khi có yêu cầu, chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị máu thiếu đó đã được bù đắp phục vụ cấp cứu kịp thời cho cháu bé. Đó chỉ là một trong những tình huống mà nhóm của Quyền vẫn thường xuyên gặp và xử lý kịp thời.

Hiện, Chi hội 15-10 có hơn 400 hội viên, tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên thuộc chín trường đại học đóng trên địa bàn TP Hà Nội, được chia thành 11 tổ, câu lạc bộ. Các bạn sinh viên tham gia đều hiểu rõ phương châm hoạt động của chi hội, đó là "Vì sự sống của người bệnh". Công việc của các hội viên, tình nguyện viên là tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia công tác HMTN trên địa bàn mình phụ trách. Đồng thời, thực hiện việc tổ chức các buổi hiến máu cũng như trực tiếp tham gia hiến máu trong các trường hợp đột xuất. Cứ vào thứ ba hằng tuần, chi hội tổ chức điểm hiến máu cố định tại Trạm Y tế phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); thứ năm hằng tuần tổ chức điểm hiến máu lưu động tại các trường đại học đóng trên địa bàn. Để các buổi hiến máu đạt kết quả tốt, các hội viên, tình nguyện viên thông báo trước đến từng người đồng ý tham gia hiến máu về thời gian, địa điểm tổ chức hiến máu và sẵn sàng hỗ trợ khi người hiến máu có yêu cầu. Do vậy, trung bình mỗi lần tổ chức, mỗi điểm tiếp nhận được từ 20 đến 25 đơn vị máu. Với sự nỗ lực của các hội viên, tình nguyện viên và sự tham gia tích cực của người dân, trong năm 2013, Chi hội 15-10 tiếp nhận được hơn 4.000 đơn vị máu, trong đó, riêng Chương trình "Tất niên Hồng", "Chiến dịch mùa hè" đã vận động và tiếp nhận được 2.575 đơn vị máu.

Ngồi xếp những lá thư cảm ơn để chuẩn bị gửi tới những người đã tham gia HMTN, cô sinh viên năm thứ nhất Học viện Quản lý giáo dục Trần Thị Khánh Linh chia sẻ với chúng tôi về những bỡ ngỡ ban đầu khi tham gia hiến máu và vận động những người chung quanh. Linh nhớ lại, khi các anh, chị tình nguyện viên đến vận động tham gia công tác hiến máu, bản thân em còn nhiều "e ngại", nhưng khi được mọi người giải thích, động viên, nhất là khi hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc HMTN em đã quyết định tham gia. Với phương châm "kiên trì, nhẫn nại, ắt thành công", sau gần một năm, Linh vận động được gần 40 người, đó là người thân trong gia đình, các bạn học thời phổ thông, bạn trong lớp đại học và các anh, chị sinh viên trong trường. Trong Chương trình "Tất niên Hồng năm 2013" vừa qua, em đã vận động được 13 người đi hiến máu. Bản thân Linh cũng đã hai lần trực tiếp hiến máu. Với những nỗ lực đó, Linh được bầu làm trưởng nhóm, phụ trách hơn 10 thành viên.

Hiện, trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế... đều có rất nhiều mô hình, câu lạc bộ hiến máu như nhóm của Quyền, của Linh. Đó là những nhân tố góp phần đưa phong trào HMTN phát triển một cách bền vững.

Khi cả xã hội vào cuộc

Nhớ lại những ngày đầu tham gia công tác vận động HMTN, sự năng nổ, nhiệt huyết của tuổi trẻ lại như ùa về với chị Đỗ Thị Thúy Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Năm 1999, khi công tác vận động hiến máu được giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách, để tìm được vài ba thanh niên đi hiến máu đã là cực khó, chưa nói đến việc vận động đông đảo người dân tham gia phong trào này. Cho rằng hiến máu không mang lại lợi ích gì cho bản thân, cho nên không ai muốn tham gia. Các bạn trẻ ở đây kiên trì với phương châm "mưa dầm thấm lâu" đưa phong trào hiến máu ở phường Tây Mỗ có những chuyển biến tích cực. Năm 2002, khi các xã trong huyện Từ Liêm chỉ có lác đác vài người tham gia hiến máu, thì phường Tây Mỗ có hơn 40 người, xã phải thuê cả chuyến xe ô-tô để đưa mọi người lên huyện hiến máu. Để làm gương, Chị Hà đã vận động con gái, em rể, em dâu và rất nhiều người trong họ, bà con lối xóm tham gia HMTN.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tây Mỗ Trần Trung Hưng cho biết, bốn năm qua, phường luôn hoàn thành và vượt mức kế hoạch được giao. Điển hình như, buổi HMTN ngày 7-3 vừa qua, phường đã có hơn 200 người tham gia, trong đó thu được 142 đơn vị máu, vượt 151,8% mức kế hoạch được giao. Để có được thành tích đó là do trong nhiều năm, đảng ủy, chính quyền, nhất là Ban chỉ đạo HMTN của phường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, với nòng cốt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ...huy động được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các trường học đóng trên địa bàn. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường khẳng định, phong trào HMTN giờ đây đã được người dân Tây Mỗ nhiệt tình hưởng ứng. Điều đó một lần nữa minh chứng, khi cả xã hội vào cuộc tất cả mọi điều sẽ thành công, dù khó khăn đến mức nào.

Theo thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, từ năm 2009 đến nay là giai đoạn phát triển cao của công tác tổ chức sự kiện về HMTN gắn với các hoạt động truyền thông. Các sự kiện ở giai đoạn này thường gắn với việc huy động người hiến máu và tiếp nhận máu. Nhiều sự kiện không chỉ đơn thuần về HMTN mà còn là những hoạt động mang tính chính trị, xã hội, giải trí lành mạnh... được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và thu hút đông đảo người dân tham gia. Các sự kiện gắn với tổ chức hiến máu nổi bật là "Lễ hội Xuân hồng", Ngày hội "Chủ nhật đỏ", "Hành trình Đỏ", Chương trình "Trái tim tình nguyện", "Giọt hồng tri ân", "Tất niên hồng", "Giọt hồng cho bé"... Tiêu biểu như "Lễ hội Xuân hồng", bắt đầu triển khai từ năm 2008, đến nay được coi là lễ hội hiến máu lớn nhất trong cả nước, với các điểm đặc biệt như: tổ chức vào dịp đầu Xuân năm mới; số lượng máu thu được liên tục năm sau cao hơn năm trước và đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ...

20 năm qua, phong trào HMTN không chỉ đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho người bệnh, mà còn góp phần vào công tác giáo dục đạo đức, hướng người dân, nhất là giới trẻ đến với các hoạt động thiện nguyện, sống không thờ ơ, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại.

Sau 20 năm, phong trào HMTN thu được hơn 8,2 triệu đơn vị máu. Riêng trong năm 2013, lượng máu thu được là gần một triệu đơn vị, tăng gấp 6,7 lần so với năm 1994; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đã đạt 90,2%; tỷ lệ dân số hiến máu đã đạt 1,08% đáp ứng hơn 50% so với nhu cầu cấp cứu và điều trị. Công tác vận động HMTN đã góp phần rất lớn giúp ngành y tế quy hoạch lại mạng lưới truyền máu; nâng cao chất lượng truyền máu qua việc cải thiện chất lượng sàng lọc, sản xuất, lưu trữ và phân phối máu, sử dụng máu lâm sàng...

(Nguồn: Bộ Y tế)