Nhìn từ bệnh viện

Quy trình và bỏ qua quy trình

Giữa đêm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận ca cấp cứu, cả sản phụ và thai nhi đều trong tình trạng rất nguy kịch. Các bác sĩ ca trực đánh giá đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, nếu không phẫu thuật nhanh sẽ khó cứu được thai nhi.

Vì thời gian quá gấp rút, các bác sĩ đã bỏ qua những quy trình bắt buộc đối với một ca phẫu thuật, sản phụ được đưa thẳng lên phòng mổ. Và kết quả là “mẹ tròn, con vuông”. Tiếp đó, một ca cấp cứu cho sản phụ chuyển dạ vỡ ối, sa dây rốn cũng vừa được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) thực hiện thành công khi bỏ qua quy trình chuẩn của chuyên môn. Tổng cộng thời gian từ khi tiếp nhận đến khi em bé chào đời chỉ là 7 phút.

Trong tai biến y khoa thì tai biến sản khoa có diễn biến được đánh giá “nhanh như điện”. Nếu thực hiện theo đúng quy trình (phải có hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, kết quả hội chẩn, phiếu cam đoan của người nhà…) thì phần lớn ca mổ sẽ khó thành công. Trong lúc tính mạng của sản phụ và thai nhi chỉ được tính bằng phút, quyết định bỏ qua quy trình chuyên môn của các kíp trực cấp cứu được đánh giá là hợp lý và liều lĩnh. Hợp lý là cứu được mẹ và con. Còn liều lĩnh đó là nếu trong trường hợp xấu nhất, sản phụ hay thai nhi chết thì trách nhiệm sẽ rất lớn vì đã không thực hiện đúng quy trình. Thế nhưng, để cứu sống tính mạng của cả mẹ và con, vì lương tâm của người thầy thuốc cho nên phần lớn các kíp trực vẫn quyết định bỏ qua quy trình chuyên môn để tiến hành ca phẫu thuật.

Khi rơi vào tình huống “thập tử nhất sinh”, sự sống của người bệnh đôi lúc nằm ở sự lựa chọn của người thầy thuốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều vụ việc bác sĩ phải chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội và luật pháp bởi những cái chết của người bệnh, bất kể họ vô ý hay do nguyên nhân khách quan, cho nên quyết định của các bác sĩ ở hai bệnh viện nêu trên được đánh giá là “quy trình của tình người”.

Trong hoạt động chuyên môn của ngành y tế, với đặc thù liên quan trực tiếp sức khỏe, tính mạng con người, việc ban hành và thực hiện theo quy trình trong quá trình khám, chữa bệnh là đương nhiên, bắt buộc mỗi người thầy thuốc phải tuân thủ. Nhưng trong những trường hợp khẩn cấp, khi các bác sĩ bỏ quy trình, cố gắng giành giật lại sự sống cho người bệnh thì cũng cần có những cách nhìn và đánh giá khách quan.