Quảng Nam chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu

NDO -

Dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên. Từ đầu năm đến nay, ở khu vực này có hàng chục trường hợp mắc bệnh và đã có ba người tử vong. 

Ngành y tế tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên).
Ngành y tế tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên).

Là một trong những địa phương có địa hình nằm tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên và được cảnh báo là vùng có nguy cơ cao đối với bệnh bạch hầu, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai nhiều phương án nhằm kịp thời ứng phó, ngăn ngừa dịch bệnh tái bùng phát và lây lan ra diện rộng.

Dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa xảy ra trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu, nhưng trước đó, vào đầu tháng 10-2019, tại địa bàn hai xã Duy Nghĩa và Duy Hải (huyện Duy Xuyên) đã xuất hiện ổ bạch hầu, nên thời gian qua, ngành Y tế Quảng Nam luôn nêu cao tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu.

Đến nay, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp các cơ quan liên quan ở huyện Duy Xuyên đã triển khai tiêm vaccine Td cho hơn 11.500 trường hợp, từ năm đến 40 tuổi.

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cũng đã tổ chức đợt tiêm mũi ba bạch hầu cho 8.275 trường hợp. Qua đó, giúp người dân an tâm và nâng cao y thức trong phòng, chống dịch bệnh.

Chị Võ Thị Thanh, ở thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) bộc bạch: “Vào tháng 10-2019, khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại địa phương, người dân rất lo lắng. Tuy nhiên, ngay sau đó, được ngành y tế tổ chức khám và tiêm phòng bệnh nên mọi người yên tâm hơn”.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam Trần Văn Kiệm cho biết, ngoài việc tổ chức tiêm nhắc vaccine bạch hầu mũi ba cho người dân ở hai xã: Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), trong sáu tháng qua, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã tăng cường triển khai vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván trong tiêm chủng mở rộng tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiến hành rà soát và tổ chức tiêm đủ ba liều vaccine “5 trong 1” cho trẻ em dưới một tuổi.

Mặt khác, ngành y tế Quảng Nam cũng đã đẩy mạnh công tác tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để đạt được hơn 95% trẻ em được tiêm chủng; tiến hành soát, tiêm vét, tiêm bù các trường hợp trẻ em chưa được tiêm chủng.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết, mới đây, Sở Y tế đã có công văn gửi cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, đề nghị các đơn vị trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm bệnh để lấy mẫu xét nghiệm, chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các trường hợp mắc bệnh và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Đồng thời, phối hợp ngành giáo dục hướng dẫn và triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các trường học bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; theo dõi sức khỏe của học sinh và thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (như sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát.

Mặt khác, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam và trung tâm y tế các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và tại địa phương. Tăng cường công tác tiêm chủng trên địa bàn bảo đảm đạt tỷ 95%; rà soát, tiêm vét, tiêm bù vaccine cho trẻ dưới 18 tháng tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Sớm lập kế hoạch tiêm bổ sung vaccine Td với chỉ tiêu đạt tỷ lệ hơn 90% trẻ bảy tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2 theo Quyết định số 2155/QĐ-BY, ngày 25-5-2020 của Bộ Y tế và Công văn số 722/YSDTTƯ-TCQG, ngày 29-5-2020 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chống dịch bệnh; chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

“Trung tâm y tế các địa phương cần chủ động dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật chất cần thiết để phục vụ công tác phòng, chống dịch và bảo đảm công tác điều trị ca bệnh kịp thời, điều trị dự phòng và xử lý môi trường khi có dịch bệnh bạch hầu xảy ra...”, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hai lưu ý.

Trong những ngày này, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về bệnh bạch hầu và cách phòng ngừa đến với người dân, nhất là ở các huyện miền núi giáp ranh với khu vực Tây Nguyên như: Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang…

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phát hiện cũng như chẩn đoán, điều trị, cách ly khi xảy ra bệnh bạch hầu…