Quản lý, điều trị bệnh lao cho nhóm đối tượng nguy cơ cao

NDO -

Việc quản lý, điều trị bệnh lao đối với nhóm đồng nhiễm lao/HIV, nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, tình trạng bệnh lao kháng thuốc và đa kháng thuốc đang là những thách thức không nhỏ trong công tác phòng, chống lao ở nước ta. Ðể thực hiện các mục tiêu của Chương trình Chống lao quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra, thời gian tới cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp, cũng như huy động sự tham gia chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong công tác này.

 Tư vấn về bệnh lao đối với nhóm nguy cơ cao tại Trạm y tế xã Nam Cao, huyện Kiến Xương (Thái Bình).     
 Tư vấn về bệnh lao đối với nhóm nguy cơ cao tại Trạm y tế xã Nam Cao, huyện Kiến Xương (Thái Bình).     

Trong năm 2010 có gần 43 nghìn người mắc lao được xét nghiệm HIV (chiếm 43% tổng số người mắc lao), tỷ lệ HIV dương tính là 8%. Ðồng nhiễm lao/HIV không chỉ làm tăng số người bệnh, mà còn làm giảm hiệu quả điều trị lao của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) và tăng tỷ lệ tử vong do lao. Số liệu thống kê cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% số dân, tuy nhiên dịch tễ HIV lại tập trung chủ yếu ở các nhóm nguy cơ cao, nhất là đối với nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi và chủ yếu là nhóm nghiện chích ma túy (chiếm tới 55%) tổng số các trường hợp nhiễm HIV... Bởi vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ đồng nhiễm lao/HIV tương đối cao, cũng như tình trạng lao kháng thuốc ước tính mỗi năm có khoảng gần 4.000 người bệnh mới, được cho là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người mắc bệnh lao đang trẻ hóa.

Kết quả điều tra tình hình mắc lao và điều tra dịch tễ lao đa kháng thuốc ở một số trại giam cho thấy, tỷ lệ mắc lao trong số các phạm nhân thường cao hơn so với cộng đồng. Tại một số trại giam ở tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ mắc lao phổi là 1.829/100 nghìn và tỷ lệ lao phổi nuôi cấy dương tính là 5.325/100 nghìn. Tỷ lệ kháng với ít nhất một thuốc chống lao là 49% và tỷ lệ kháng đa thuốc là 4,5%.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do hiện nay chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, mạng lưới chống lao ở các tuyến vừa thiếu, lại thường xuyên thay đổi, cũng như chưa triển khai thống nhất được mô hình chống lao tại tuyến huyện trong cả nước. Năng lực của các phòng xét nghiệm, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa vẫn còn yếu kém cả về trang thiết bị lẫn năng lực cán bộ, trong khi đó lại chưa có sự phối, kết hợp giữa các phòng xét nghiệm tư nhân và một số bệnh viện công. Nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước chưa đủ, nhất là đối với việc thực hiện điều trị hóa trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp, kinh phí dành cho các hoạt động của các dự án chống lao phụ thuộc chủ yếu vào nguồn viện trợ từ nước ngoài (khoảng 70%). Nguồn nhân lực và trang thiết bị cho công tác phòng, chống lao trong các trại giam còn thiếu thốn. Việc sàng lọc HIV cho phạm nhân chưa được thực hiện một cách đầy đủ, do thiếu các nguồn kinh phí hỗ trợ, chưa thực hiện điều trị ARV cho người nhiễm HIV trong các trại giam, trại cải tạo, do thời gian ở các trại cải tạo thường ngắn, nhất là đối với nhóm đối tượng nghiện ma túy, mại dâm nên việc điều trị, quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn...

PGS, TS Ðinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm CTCLQG cho biết: Phấn đấu đến năm 2015, giảm 50% số người mắc bệnh lao so với ước tính năm 2000; khống chế người bệnh lao kháng đa thuốc năm 2015 bằng mức năm 2010; giải quyết vấn đề lao/HIV, lao trong trại giam và các trại giáo dưỡng với mục tiêu như: khám sàng lọc khi nhập trại và phát hiện bệnh lao chủ động định kỳ. Phấn đấu 80% số người bệnh lao được tư vấn xét nghiệm HIV; 100% số người bệnh lao/HIV được điều trị lao (CPT và ART); điều trị cho khoảng 75% số người bệnh đa kháng thuốc vào năm 2015 và giảm 25% tỷ lệ mắc bệnh lao kháng đa thuốc mới... Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách cho cán bộ chống lao và cho người bệnh lao như: chữa bệnh lao miễn phí ở các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực thông qua đào tạo và chuẩn hóa mô hình y tế tuyến cơ sở... Ðặc biệt, cần đưa chỉ tiêu khống chế số người mắc bệnh lao vào hệ thống chỉ tiêu của ngành y tế, cũng như chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Các cơ sở điều trị áp dụng các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật mới trong điều trị, phát hiện người bệnh lao. Tăng cường năng lực các phòng xét nghiệm về cơ sở vật chất và kỹ thuật nuôi cấy, các xét nghiệm sinh học phân tử để chẩn đoán nhanh và theo dõi điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc. Ðào tạo cán bộ các phòng khám, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện về kiểm soát lây nhiễm bằng phương pháp phát hiện sớm, cách ly các trường hợp lây nhiễm và hướng dẫn quản lý lâm sàng các trường hợp đồng nhiễm lao/HIV; tăng cường năng lực chẩn đoán phát hiện của các đơn vị chống lao trong các trại giam và trại giáo dưỡng, cũng như việc nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và trại viên về phòng, chống lao thông qua các chương trình truyền thông, các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe về lao/HIV cho cộng đồng tại các khu vực đông dân cư.