Phát triển phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh nhi

Ứng dụng phẫu thuật nội soi (PTNS) để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh được thực hiện rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. ở Việt Nam, nhiều cơ sở y tế rất tích cực ứng dụng PTNS để điều trị các bệnh lý phức tạp, trong đó Bệnh viện Nhi T.Ư là đơn vị đi đầu trong ứng dụng PTNS để điều trị cho các bệnh nhi.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện ca phẫu thuật nội soi nang ống mật chủ.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện ca phẫu thuật nội soi nang ống mật chủ.

năm 2003, GS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khi đó, là người thực hiện ca PTNS đầu tiên cho bệnh nhi ở nước ta. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật này cho khoảng 10 nghìn ca với các loại bệnh lý khác nhau, trong đó có hơn 1.000 trường hợp bệnh nhi bị nang ống mật chủ. Đáng chú ý, cách đây chưa lâu, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã mổ thành công cho hai trường hợp (một cháu sáu tuổi và một cháu tám tuổi đều quê Nghệ An) bị thông liên nhĩ bằng phương pháp nội soi ít xâm lấn qua đường nách. Kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao, vừa an toàn, thời gian hồi phục nhanh và có tính thẩm mỹ cao. Hằng năm, Trung tâm PTNS và Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện nhi T.Ư thực hiện hơn 10 nghìn ca phẫu thuật, thì số ca thực hiện PTNS chiếm tỷ lệ ngày càng tăng.

Bên cạnh việc làm chủ trong phẫu thuật các bệnh lý về tiêu hóa và tim mạch thường quy, gần đây Bệnh viện Nhi T.Ư đã đưa kỹ thuật mổ nội soi thoát vị bẹn, thay thế phương pháp mổ mở hay gây biến chứng và điều trị dài ngày trước đây. Thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em, và phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị. Tuy nhiên, mổ mở thường gây tỷ lệ tái phát thoát vị bẹn khá cao (từ 0,8 đến 3,8%). Với mong muốn nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý này cho trẻ, năm 2018, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận chuyển giao phương pháp PTNS điều trị bệnh thoát vị bẹn từ GS Ma-xô En-đô. Ưu điểm nổi trội của kỹ thuật mới này là thời gian mổ trung bình mỗi bên thoát vị bẹn ngắn (chỉ khoảng 15 phút) với mức độ an toàn cao, dưới sự quan sát phóng đại của ca-mê-ra. Mặt khác, PTNS ít gây sang chấn tới mạch máu và ống dẫn tinh (ở trẻ nam), bảo đảm chức năng sinh sản sau này của trẻ, lại có tính thẩm mỹ cao bởi sau mổ một thời gian ngắn hầu như không có sẹo. Vì thế, những thành công trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào điều trị các bệnh khó và phức tạp cho trẻ nhỏ của Bệnh viện Nhi T.Ư hơn 10 năm qua đã khiến không ít bác sĩ từ các nước Thái-lan, Phi-li-pin, Nhật Bản tìm đến học tập.

Bước đột phá đáng kể của Bệnh viện Nhi T.Ư thời gian qua, đó là nơi đầu tiên của khu vực Đông - Nam Á và nước thứ hai của châu Á đưa phương pháp hiện đại PTNS bằng rô-bốt điều trị cho bệnh nhi. TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư là người đầu tiên thực hiện công nghệ cao này vào điều trị cho trẻ nhỏ. Theo TS Phạm Duy Hiền, PTNS bằng rô-bốt có thể áp dụng cho nhiều loại bệnh như: cắt khối u dạ dày, cắt gan, cắt phổi, xử lý tiền liệt tuyến ở người lớn… như các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản lâu nay vẫn làm. Thế nhưng, khi về Việt Nam, nó được cải tiến một vài chi tiết và được sử dụng phẫu thuật cho các bệnh lý phức tạp ở trẻ nhỏ như: nang ống mật chủ, teo đường mật, thận ứ nước, phình đại tràng bẩm sinh… Với đầu ca-mê-ra thông minh, góc phẫu thuật rộng 580 độ trên hình ảnh 3D cánh tay rô-bốt có thể di chuyển tự do, thoải mái vào tận các ngóc ngách của cơ thể (điều này cánh tay của phẫu thuật viên không làm được). Cũng chính vì vậy, vùng phẫu thuật được thu hẹp, ít gây sang chấn và chảy máu cho người bệnh, giúp người bệnh chỉ sau ba ngày đến một tuần sẽ được xuất viện.

với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tương đối lớn trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là khu phẫu thuật gồm 24 phòng, trong đó có phòng mổ tích hợp thông minh (OR1); cũng như đội ngũ nhân lực gần 100 GS, PGS và TS, hy vọng Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ trở thành một trung tâm nhi khoa tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao của khu vực và thế giới.