PGS, TS Nguyễn Duy Ánh: “Chúng ta đã chủ động coi thai nhi là bệnh nhân”

NDO -

"Giờ đây, các bác sĩ không ngồi thụ động chờ đợi diễn biến bào thai trong tử cung như trước đây mà chúng ta chủ động coi thai nhi là bệnh nhân. Các bác sĩ phải chữa bệnh cho bệnh nhân đó khi có bệnh", PGS, TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ về thành tựu của kỹ thuật cao nhất sản khoa - can thiệp bào thai trong buồng tử cung. 

Một ca can thiệp bào thai do các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện. (Ảnh: BVCC)
Một ca can thiệp bào thai do các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện. (Ảnh: BVCC)

Kỹ thuật khó nhất trong sản khoa thế giới – can thiệp bào thai đã được triển khai thành công một năm qua tại Việt Nam với đơn vị công lập tiên phong là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đến nay, 40 sản phụ đã được can thiệp thành công và đã có 20 ca sinh nở mẹ tròn con vuông.

Sáng 25-9, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức Hội nghị ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông trong điều trị hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối. Hội nghị tổng kết lại một năm triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử can thiệp trong buồng ối.

Một năm chinh phục kỹ thuật đỉnh cao trong sản khoa

Một năm trước, khi triển khai đề tài nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các cộng sự gặp phải nhiều thách thức. Đây là kỹ thuật sản khoa lần đầu được triển khai tại Việt Nam. Thời điểm ấy, các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa đều trăn trở và cho rằng, việc động vào bào thai là điều tối kỵ.

Theo PGS Ánh, trên thế giới, định nghĩa ca mổ thành công là sau một ngày can thiệp không có tai biến chảy máu, sau bảy ngày không hỏng thai coi như ca mổ thành công. 

Thế nhưng, các giáo sư đầu ngành Việt Nam đặt ra yêu cầu cao hơn là sau khi can thiệp bào thai, việc sinh nở của sản phụ phải mẹ tròn con vuông. “Chúng ta không phải triển khai kỹ thuật để triển khai mà phải cứu sống được thai nhi, có thành quả thật sự dù chỉ là một ca thành công”, các giáo sư đầu ngành đặt ra yêu cầu. 

Đặt trên vai áp lực của việc tiên phong triển khai kỹ thuật mới, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Bệnh viện cử các chuyên gia sang Pháp học tập, nhận chuyển giao kinh nghiệm hàng năm trời tại bệnh viện hàng đầu của Pháp. Một phòng mổ hiện đại theo đúng tiêu chuẩn châu Âu về can thiệp bào thai được triển khai nhanh chóng.

PGS, TS Nguyễn Duy Ánh: “Giờ đây, thai nhi cũng là bệnh nhân” -0
 PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về những thành tựu ban đầu của kỹ thuật can thiệp bào thai.

Chỉ 10 năm sau khi thế giới ra đời kỹ thuật sản khoa khó nhất, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật này bằng những ca can thiệp bào thai đầu tiên vào cuối năm 2019. 

Sáng 19-12, sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An) đã được ra viện sau 5 ngày sinh con tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Đây là trường hợp đầu tiên sinh con trong số 14 ca đã được mổ can thiệp y học bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Liên tiếp sau đó, đã có 20 sản phụ (gồm 16 ca miền bắc, ba ca miền trung và một ca miền nam) đã sinh con khỏe mạnh. 20 sản phụ khác sau can thiệp cũng đang chờ ngày sinh nở. 

"Thật tuyệt vời không có một ca nào được can thiệp gặp biến chứng gì trong suốt quá trình thai kỳ. Các ca sinh nở đều mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh. Có nhiều thai nhi chỉ nặng vài trăm gram cũng đã được các bác sĩ sơ sinh chăm sóc khỏe mạnh, không gặp vấn đề gì về sức khỏe", PGS Ánh cho biết. 

Những thành công của Việt Nam được đánh giá ngang tầm thế giới với những nước tiên tiến nhất về cả kỹ thuật và tỷ lệ thành công của các ca được can thiệp.

Nhìn lại một năm với nhiều thách thức trong triển khai kỹ thuật khó nhất, BS Ánh cho biết, việc can thiệp trong buồng tử cung khó khăn nhất là can thiệp phải chuẩn để không dẫn tới sẩy thai và đẻ non.

“Đây là kỹ thuật mới, can thiệp hết sức nhạy cảm khó khăn. Khi chúng ta động chạm vào buồng tử cung, sẽ có ảnh hưởng tới thai nhi, tới tâm lý sản phụ, sự thấu hiểu của gia đình. Về phía đồng nghiệp, khó khăn nhất khi tuyến dưới chuyển đến chúng tôi có một nửa số ca quá muộn. Chúng tôi chỉ nhìn bệnh nhân mà không biết nói gì, làm gì nữa”, BS Ánh tâm sự.

Mở ra trang mới trong sản khoa

BS Ánh cho biết, có nhiều bệnh lý không thể chờ em bé sinh ra để xử lý mà phải can thiệp từ  hơn 20 tuần. Trong số các ca được can thiệp tại bệnh viện, chủ yếu là thai nhi từ 17 đến 26 tuần khi thai chỉ nặng vài gram. Nếu không can thiệp để sửa chữa tổn thương, em bé sẽ tử vong.

Việc triển khai thành công kỹ thuật can thiệp bào thai sẽ mở ra một trang mới trong sản khoa. “Các bác sĩ không ngồi thụ động chờ đợi diễn biến bào thai trong tử cung trước đây rồi chờ sản phụ sinh con mới can thiệp cho thai nhi mà giờ đây, chúng ta chủ động coi thai nhi là bệnh nhân. Các bác sĩ phải chữa bệnh cho bệnh nhân đó khi có bệnh”, BS Ánh nói. 

Can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực y học bào thai hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi. Các thai nhi nhỏ tuần thai giờ đây đã có cơ hội được chào đời khỏe mạnh, thay vì phải chấp nhận đình chỉ thai sản như trước. 

Với kỹ thuật hiện đại, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường. Kỹ thuật này đã được triển khai thành công can thiệp cho sản phụ bị thiếu ối, đa ối, sản phụ gặp hội chứng truyền máu song thai. 

PGS, TS Nguyễn Duy Ánh: “Giờ đây, thai nhi cũng là bệnh nhân” -0
 Đến nay có 20 sản phụ được can thiệp đã sinh nở mẹ tròn con vuông. 

Riêng đối với hội chứng truyền máu song thai, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, nếu như trước đây, khi bệnh viện chưa thực hiện được kỹ thuật laser quang đông thì những thai nhi có hội chứng truyền máu song thai sẽ có nguy cơ tử vong cao. Bởi các em bé khi đã mắc hội chứng này sinh ra sẽ bị dị tật rất nặng, thiểu năng trí tuệ; hoặc chết lưu trong tử cung người mẹ.

PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, trong tương lai, ông rất mong muốn Việt Nam có Hội Y học bào thai là địa chỉ để phối hợp với các cơ sở cùng triển khai kỹ thuật này khi đủ điều kiện, giúp cho bệnh nhân được can thiệp kịp thời, cứu sống bào thai.

Đồng thời, BS Ánh cũng gửi gắm thông điệp tới những thầy thuốc sản phụ khoa, quản lý thai nghén cần luôn quan tâm đến bệnh lý này. Diễn biến của các bệnh lý này rất nhanh, nếu siêu âm chẩn đoán không ra bệnh thì phải chuyển tuyến sớm để có cơ hội thực hiện thủ thuật này vào giai đoạn vàng, còn cơ hội can thiệp.