Nỗi lo không hề nhỏ

Chỉ trong thời gian ngắn, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức liên tiếp nhận cấp cứu ba trường hợp chấn thương nặng do pháo phát nổ. Cả ba trường hợp đều phải mổ với nhiều thương tích trên người, từ dập nát, gãy phức tạp xương bàn tay đến mặt, mắt… Thậm chí có trường hợp sau khi xử lý các tổn thương phần mềm ở mặt, tay phải tiếp tục chuyển sang Bệnh viện Mắt T.Ư để tiếp tục xử lý tổn thương mắt.

Chấn thương do pháo, năm nào cũng gặp, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Tuy vậy, việc liên tiếp ghi nhận nhiều ca chấn thương do pháo mà lại cận kề ngày Nghị định số 137/2020/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực (ngày 11-1-2021) đã dấy lên những nỗi lo không hề nhỏ. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận người dân khi tiếp cận thông tin liên quan đến Nghị định này đã vô tình hiểu chưa đúng, thậm chí cố tình hiểu sai các quy định cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt nhiều loại pháo. Việc hiểu sai bản chất của Nghị định số 137/2020/NĐ - CP sẽ dẫn tới vi phạm. Do đó, các tổ chức cũng như người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm các quy định đã được Nghị định nêu rất chi tiết, cụ thể.

Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để  buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép. Do vậy, bên cạnh việc quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép thì rất cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định mới để nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Mặt khác, có giải pháp kiểm soát chặt thị trường, xử lý thật nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm; tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác. 
 
Từ thực tế công tác cấp cứu các nạn nhân, các bác sĩ cho rằng, tình trạng chế tạo pháo xảy ra nhiều, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Do đó, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo các bậc cha mẹ học sinh, nhà trường nên phối hợp tuyên truyền, giáo dục, có các biện pháp để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc từ pháo xảy ra cho các em, tuyệt đối không học chế tạo pháo theo các hướng dẫn trên in-tơ-nét.