Những em bé chào đời từ các bệnh viện dã chiến

NDO -

Nhiều thiên thần nhỏ đã được chào đời an toàn trong khu cách ly y tế, dù sản phụ mắc Covid-19. Giữa không gian tĩnh lặng của các bệnh viện dã chiến, tiếng khóc chào đời của những em bé sơ sinh đã tiếp thêm niềm hy vọng và niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 cho các chiến sĩ áo trắng.

Nhiều em bé chào đời an toàn trong khu cách ly dù mẹ mắc Covid-19.
Nhiều em bé chào đời an toàn trong khu cách ly dù mẹ mắc Covid-19.

NHỮNG EM BÉ RA ĐỜI TRONG HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT

Ngày 15-7-2020, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận được thông tin chuẩn bị sẵn phương án mổ đẻ cấp cứu cho một sản phụ thai 38 tuần tuổi từ Australia về Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, một thành viên trong ê-kíp tham gia ca mổ chia sẻ, sau khi hội chẩn, lãnh đạo BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chỉ định mổ ngay cho sản phụ. Các thành viên trong ê-kíp trực đã nhanh chóng được huy động từ Khoa Ngoại sản và thiết lập ngay phòng mổ dã chiến tại khoa Cấp cứu. 

Sau 40 phút, ê-kíp đã đón bé trai nặng 3,5 kg. Khi đón em bé ra đời, tất cả mọi người đều vô cùng hạnh phúc. BS Hồng kể, sản phụ được chuyển đến trong tình trạng cấp cứu, mọi điều kiện về trang thiết bị, vật dụng còn thiếu thốn nhưng ca mổ vẫn diễn ra rất suôn sẻ. Trong khu cách ly đặc biệt – tuyến đầu của điều trị bệnh nhân Covid-19, một thiên thần nhỏ đã được chào đời an toàn.

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
 Các y, bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đỡ đẻ thành công cho sản phụ mắc Covid-19.

Cuộc mổ đẻ đó như một cuộc diễn tập ban đầu, để tới ngày 10-9-2020, các bác sĩ tại đây bước vào một cuộc chiến cam go hơn – đỡ đẻ cho một sản phụ mắc Covid-19. Đây là bệnh nhân 411, 30 tuổi, có địa chỉ tại Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ. Sản phụ từ Liên bang Nga về Việt Nam ngày 17-7-2020 và được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

Đó là một ngày đặc biệt của ê-kíp của khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gồm BS Cao Văn Dũng và nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng tại phòng Cấp Cứu Khoa Virus - Ký sinh trùng. Khoa đã mang cả bàn đẻ, dụng cụ thuốc men và sắp xếp lại các thiết bị để bảo đảm gần như giống với một phòng sinh bình thường ở khoa Ngoại sản.

BS Trần Thượng Việt, Trưởng Khoa Ngoại sản chỉ đạo trực tiếp ca mổ đẻ yêu cầu: “Yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu để không lây sang con trong quá trình sinh nở. Các kế hoạch để đón em bé chào đời đã được thiết lập rất nhanh chóng. Trong trường hợp bệnh nhân phải mổ đẻ, có yếu tố nặng lên thì sẽ được chuyển xuống phòng mổ riêng ở khoa Ngoại sản dưới đường đi riêng, tránh lây nhiễm Covid-19”, BS Việt nói.

Bốn tiếng đồng hồ trôi qua đầy thách thức. Thời tiết mùa hè nóng bức, các bác sĩ trong bộ bảo hộ đã phải theo dõi sát sao sản phụ để người mẹ sinh hạ con an toàn. Hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng chia sẻ, do sản phụ vẫn đang dương tính SARS-CoV-2, kíp phải chuẩn bị kỹ vấn đề trang phục bảo hộ để bảo đảm an toàn tối đa. 

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
 Các em bé được chăm sóc riêng biệt bởi các nữ hộ sinh.

Sau khi đỡ xong ca này, BS Dũng và điều dưỡng Hằng phải cách ly 14 ngày. Các đồng nghiệp của điều dưỡng Hằng kể lại, chị phải sử dụng thuốc ngủ để trấn an bản thân mình trong những ngày cách ly đằng đẵng này, xua tan đi nỗi nhớ con, cháu. Tuy nhiên, niềm vui lớn lao của chị, chính là hai mẹ con được an toàn, con sản phụ và chị cũng như ê-kíp đỡ đẻ không ai bị lây nhiễm virus nCoV.

Tháng 7-2020, dịch Covid-19 giáng một đòn chí mạng vào Đà Nẵng với số ca liên tiếp được phát hiện lây trong cộng đồng. Không phải là tuyến đầu để điều trị các ca bệnh nặng, hay phải thực hiện phong tỏa vì có nguồn lây, nhưng BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đặt mình vào một tình thế chủ động hơn bao giờ hết.

Trong suốt gần hai tháng chống dịch, bệnh viện đã tiếp nhận, theo dõi cách ly 394 người gồm các đối tượng F1, F2, nhập cảnh từ nước ngoài. Trong đó có 103 bệnh nhi, 111 bệnh nhân sản phụ khoa, 180 người nhà của bệnh nhân.

Khu cách ly BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã tiến hành mổ lấy thai 23 trường hợp thai phụ và đỡ đẻ 10 trường hợp đang trong thời gian cách ly. Có 34 trẻ sơ sinh ra đời, trong đó 31 trẻ được được áp dụng da kề da, bú sữa mẹ ngay sau khi ra đời tại khu cách ly. 

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
 Các ca mổ đẻ cho sản phụ mắc Covid-19 luôn được lên phương án kỹ càng, bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn cho cả ê-kíp và trẻ sơ sinh.

Một trong những dấu ấn với các bác sĩ tại đây là tối ngày 15-8, bệnh viện đã phối hợp BV Dã chiến Hòa Vang cử ê-kíp sản khoa - sơ sinh tiến hành phẫu thuật cho trường hợp thai phụ mắc Covid-19.

Sản phụ là bệnh nhân 569 (35 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), mắc Covid-19 khi đang mang thai 35 tuần. Đây là một trong hai thai phụ đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam nhiễm Covid-19. Để phục vụ ca phẫu thuật, các dụng cụ hỗ trợ phẫu thuật và chăm sóc nhi sơ sinh như lồng ấp, máy móc chuyên sản nhi đã được vận chuyển từ BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đến BV dã chiến Hòa Vang.

Sau một thời gian thực hiện chuyên môn, ca mổ thành công tốt đẹp, bé gái cất tiếng khóc chào đời trong sự vui mừng của những chiến sĩ áo trắng. Ê-kíp cũng đã phối hợp thực hiện chăm sóc, tư vấn toàn diện cho bà mẹ và trẻ. “Trẻ không lây nhiễm đồng thời vẫn bú sữa mẹ hoàn toàn và khỏe mạnh”, đại diện BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết.

Trong đợt dịch bùng phát tại Quảng Ninh và Hải Dương, nhiều em bé đã được chào đời ngay trong khu cách ly.

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
 "Ngoài công việc chuyên môn, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi như người thân của các trường hợp cách ly tại đây".

Tại khu cách ly Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đến nay, đã có 22 em bé chào đời an toàn, trong đó, có những ca mổ đẻ cho sản phụ mắc Covid-19. 

Ngày 8-2, em bé thứ 18 ra đời an toàn tại khu cách ly là con của sản phụ Bùi Thị A.(29 tuổi, nhân viên Công ty Poyun) thường trú tại thôn An Biên, xã Thủy An, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Sản phụ này mắc Covid-19 được công bố mã số BN1726, có chồng là BN1727 và con gái là BN1740 cũng nhiễm Covid-19.

Qua 10 ngày nằm điều trị, theo dõi cách ly, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu được một bé trai nặng 2,6 kg. Em bé được đón, chăm sóc và làm sàng lọc Covid-19 theo quy định.

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
 Các nữ điều dưỡng là mẹ của các em bé sơ sinh chào đời trong khu cách ly.

BS Hoàng Đăng Hùng cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị phương án sẵn sàng cho việc tiếp nhận và điều trị trong trường hợp có sản phụ dương tính Covid-19 từ đợt dịch đầu tiên. Khi tiếp nhận Bùi Thị A.(29 tuổi) đến từ vùng dịch và có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-COV-2, bệnh viện đã sắp xếp ngay một ê-kíp riêng để sẵn sàng chăm sóc và điều trị bệnh nhân ngay từ đầu. Đồng thời sẵn sàng kíp kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm ngay và trong khi phẫu thuật sẽ được khử trùng an toàn.

"Trong khu cách ly, các sản phụ đều không người thân. Hằng ngày ngoài công việc chuyên môn, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi như người thân của họ, chăm sóc cho các sản phụ, lo từng bữa cơm cho các sản phụ, vệ sinh cá nhân giúp họ, thay bỉm, tã, cho em bé ăn sữa, nâng niu giấc ngủ của bé... Chúng tôi luôn động viên nhau, động viên người bệnh rằng chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch, sớm trở về bên gia đình", một bác sĩ tâm sự.

NHỮNG ĐỨA CON MANG TÊN “CHIẾN THẮNG”

Mặc dù không phải tiếp nhận và điều trị cho sản phụ mắc Covid-19, nhưng với BSCK2, Trần Quốc Nhân, Phó Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai, hai tuần Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa là quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời 30 năm làm trong lĩnh vực sản khoa của mình. Đó là thời điểm, anh vừa là trưởng tua trực, vừa cùng 20 y, bác sĩ vừa điều trị, vừa chăm sóc, vừa làm người nhà, vừa làm công tác hậu cần chăm sóc cho hơn 100 sản phụ, bệnh nhi tại khoa Sản.

BSCK2 Trần Quốc Nhân tiếp nhận tua trực của mình vào đúng ngày 28-3-2020 – ngày BV Bạch Mai chính thức bị phong tỏa. BS Nhân kể: “Khi đó, bác sĩ và người nhà bệnh nhân như người thân trong cùng gia đình. Nhiều nhiệm vụ được đặt ra cho chúng tôi, vừa phải tiệt khuẩn toàn khoa, phải lo trữ đủ thuốc men, lo ngày ba bữa cơm cho toàn bộ bệnh nhân. Chúng tôi cùng người nhà bệnh nhân đi lấy nước, cùng chia sẻ bữa cơm, cuộc sống trở nên rất chan hòa, đơn giản. Đó là thời gian tôi nhìn nhận trong cuộc sống này, thật ra tình người quan trọng nhất”.

Trong những ngày cam go đó, đã có hai sản phụ được hồi sinh kỳ diệu dưới bàn tay cấp cứu tuyệt vời của các bác sĩ tại đây.

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
  BSCK2, Trần Quốc Nhân, Phó Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai.

Trưa 3-4-2020, khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai, nhận được yêu cầu hỗ trợ của BV Đa khoa Hà Đông về việc sản phụ 30 tuổi, sinh con thứ 3 được chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối.

Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Dây chuyền cấp cứu ngừng tuần hoàn lập tức được khởi động. Kíp cấp cứu nhanh chóng ép tim ngay trên cáng, hỗ trợ hô hấp và khẩn cấp đưa bệnh vào khu can thiệp cao trong khoa cấp cứu.

Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng. Đến 16 giờ 20 phút, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2. Với sự quyết tâm còn nước còn tát, các biện pháp về hồi sức tích cực vẫn được tiến hành, sau hơn 120 phút ép tim liên tục, bằng sự kiên trì và quyết tâm của kíp cấp cứu A9, sản phụ T. tái lập tuần hoàn trở lại. Kỳ tích lớn đã đến, sản phụ hồi sinh, thần kinh vẫn bình thường dù đã 120 phút ngừng tim.

“Bệnh nhân hai lần ngừng tim, vẫn sống sót kỳ diệu. Đó là khoảnh khắc không bao giờ anh em chúng tôi quên được vì khi đó bệnh viện bị phong tỏa không biết ngày nào mới hết cách ly”, BS Nhân nói.

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
 Sản phụ được hồi sinh kỳ diệu tại BV Bạch Mai.

Sau ca kỳ tích này, vào 1 giờ sáng, một sản phụ gặp tai biến trong quá trình sinh nở tại bệnh viện tuyến dưới được chuyển đến trong tình trạng thập tử nhất sinh, bị sốc mất máu và chảy máu trong ổ bụng. BS Nhân và ê-kíp bác sĩ khoa Cấp cứu đã mổ cấp cứu cho bệnh nhân, cầm máu kịp thời cứu tính mạng sản phụ. Sau bảy ngày quyết liệt hồi sức bệnh nhân tỉnh táo.

Ngày bệnh viện được gỡ bỏ phong tỏa, trời lún phún mưa. Các bác sĩ đã tiễn từng bệnh nhân ra cổng, che ô cho bệnh nhân lên xe trở về nhà sau hai tuần bị cách ly. "Lúc này, giữa chúng tôi không còn khoảng cách của thầy thuốc, bệnh nhân mà chia tay xúc động như những người anh em. Nhiều người chúc mừng chiến thắng của BV Bạch Mai và đặt tên con là Chiến Thắng”, BS Nhân xúc động kể lại.

Những tiếng khóc mang tên hy vọng -0
 Những thiên thần nhỏ được nâng niu, chăm sóc đặc biệt.

Năm ca được mổ đẻ thành công dưới bàn tay của BS Nhân và các đồng nghiệp trong thời gian BV Bạch Mai cách ly. BS Nhân tâm sự, tiếng khóc là tiếng thở đầu đời của mỗi con người. Tiếng khóc của trẻ thơ trong không gian tĩnh lặng, yên ắng của bệnh viện trong hai tuần bị phong tỏa đã đánh thức về sự lạc quan, niềm tin vào chiến thắng của hàng trăm cán bộ y tế tại đây.

Tết bình an