Nhiều sáng kiến và nỗ lực vì người bệnh

Thời gian qua, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Khi đến bệnh viện, người bệnh được điều trị, chăm sóc ngày một tốt hơn và hình ảnh người thầy thuốc ngày càng đẹp hơn.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), sáng kiến được đánh giá cao nhất là xây dựng và triển khai bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Bộ tiêu chí đã giúp các bệnh viện tự nhìn lại thực trạng hiện nay, xác định những vấn đề bất cập, lựa chọn các vấn đề cấp bách và những vấn đề cần làm ngay để nâng cao chất lượng bệnh viện, đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau ba năm thí điểm áp dụng đánh giá bệnh viện theo Bộ tiêu chí, nhiều bệnh viện đã có những chuyển biến rất tích cực, chất lượng được cải tiến nhiều mặt dựa trên các kết quả đánh giá. Với tinh thần “Chất lượng là hành trình, không phải là đích đến”, Bộ tiêu chí được điều chỉnh lại gồm 83 tiêu chí, 1.595 tiểu mục đã tiếp cận với các bộ tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thế giới, vừa có tính khoa học, thực tiễn cao, đồng thời có tính sáng tạo. Mỗi tiêu chí được chia thành năm bậc thang chất lượng để các bệnh viện phấn đấu, phù hợp với điều kiện đơn vị mình. Quan điểm chủ đạo của bộ tiêu chí là “lấy người bệnh làm trung tâm”, “an toàn người bệnh là số một”.

Đến nay, Bộ tiêu chí đã được áp dụng tại hơn 1.400 bệnh viện trên toàn quốc, từ các tuyến trung ương đến tỉnh, huyện và tư nhân. Về cơ bản, bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những thay đổi tích cực hết sức rõ rệt, kể cả bệnh viện huyện ở những vùng sâu, vùng xa. Người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn, chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế cũng từng bước được nâng lên. Tính chung trên toàn quốc, các bệnh viện năm 2018 đã đạt mức 3 là mức khá, mức chất lượng “chấp nhận được”; một số bệnh viện tuyến trung ương đã đạt mức 4, là mức chất lượng tốt.

Ước tính mỗi năm có 150 triệu lượt khám bệnh tại bệnh viện và hàng triệu ngày điều trị nội trú. Như vậy, hàng triệu người dân được hưởng lợi từ những cải tiến chất lượng bệnh viện. Hiệu quả mang lại từ sự cải tiến của các bệnh viện rất to lớn, nhất là nhiều thay đổi không thể tính được bằng tiền vì không gì quý hơn sinh mệnh và sức khỏe con người. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh; 93% số bệnh viện có tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh (bàn, ghế, quạt điện, có đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động…; quy trình khám bệnh giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn từ 4 đến 8 bước (tùy theo loại hình khám bệnh); so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm.

Nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm y học, Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Sau ba năm triển khai Đề án đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực hệ thống kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học; hình thành, phát triển mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu trên toàn quốc; từng bước liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm. Đến nay, cả nước có ba trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm (thuộc Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh); 4.309 phòng xét nghiệm và các trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm thực hiện ngoại kiểm tra; hơn 60 phòng xét nghiệm y học đã bảo đảm tiêu chuẩn liên thông kết quả xét nghiệm. Nhờ đó, kết quả xét nghiệm từng bước bảo đảm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng, liên thông kết quả xét nghiệm đã giúp tiết kiệm trung bình hơn 237 tỷ đồng mỗi năm vì người bệnh không phải xét nghiệm nhiều lần, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu các bệnh viện hiện đang hướng tới là sự hài lòng của người bệnh, không chỉ dừng lại ở việc chữa đúng, chữa đủ, chữa khỏi cho người bệnh. Với tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, Bộ Y tế đã xây dựng và thiết lập hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế trên toàn quốc bằng phần mềm trực tuyến. Qua ba năm triển khai từ 2017 đến 2019, đã có hơn 2,5 triệu lượt phiếu khảo sát, tỷ lệ hài lòng người bệnh đã đạt 80,6% với người bệnh nội trú và 75% với người bệnh ngoại trú. Việc khảo sát sự hài lòng ở người bệnh, nhân viên y tế giúp bệnh viện xác định vấn đề làm người bệnh chưa hài lòng, các ưu tiên giải quyết trước cải tiến chất lượng... Đáng chú ý, hiện nay trên thế giới mới chỉ có Việt Nam thiết lập được hệ thống khảo sát hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế ở cấp quốc gia...

Đến nay, nội dung “Nuôi con bằng sữa mẹ” cũng được ngành y tế lồng ghép vào đánh giá chất lượng bệnh viện để thúc đẩy các bệnh viện tổ chức truyền thông, hướng dẫn, khuyến khích và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Sáng kiến này mang tính đột phá, sáng tạo, tiên phong trên toàn cầu khi Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chính thức đưa việc nuôi con bằng sữa mẹ vào Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Các kinh nghiệm, bài học của Việt Nam đã lan tỏa trên thế giới và được WHO và UNICEF sử dụng để cập nhật hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Hàng triệu trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ giúp hệ miễn dịch hoàn thiện, phát triển tốt hơn. Mặt khác, việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ giúp hàng triệu đoàn viên công đoàn là người lao động được nghỉ thai sản sáu tháng để bảo đảm con được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn.