Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống Giám sát kháng kháng sinh

NDO -

NDĐT - Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống Giám sát kháng kháng sinh, tạo ra báo cáo quốc gia về kháng kháng sinh và cung cấp thông tin phản hồi cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam.

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống Giám sát kháng kháng sinh

Ngày 9-9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Kháng kháng sinh – Viện truyền nhiễm Quốc gia, Nhật Bản chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác về Phát triển hệ thống Giám sát kháng kháng sinh tại Việt Nam.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây - Thái Bình Dương đã phát triển và thông qua kế hoạch hành động quốc gia về Kháng kháng sinh vào năm 2013. Hiện tại, Việt Nam đang thiết lập một mạng lưới giám sát kháng kháng sinh và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về giám sát kháng kháng sinh.

Trung tâm Nghiên cứu Kháng kháng sinh – Viện truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản là đơn vị phát triển phần mềm JANIS. Phần mềm JANIS giúp phân tích dữ liệu toàn diện từ khâu nuôi cấy vi khuẩn tới xét nghiệm kháng sinh đồ, cho phép tự động tạo ra báo cáo quốc gia về kháng kháng sinh và báo cáo phản hồi cho từng bệnh viện tham gia giám sát kháng kháng sinh. Hệ thống phần mềm này được xây dựng dưới dạng hệ thống đám mây Microsoft Azure an toàn, cho phép mỗi quốc gia có thể làm chủ và bảo mật cơ sở dữ liệu của mình.

Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kháng kháng sinh – Viện truyền nhiễm Quốc gia, Nhật Bản để Phát triển hệ thống Giám sát kháng kháng sinh tại Việt Nam với mục tiêu chính là xây dựng cấu trúc giám sát bền vững thông qua phát triển một mô-đun phần mềm và khung hợp tác, hướng tới việc tạo ra báo cáo quốc gia về kháng kháng sinh và cung cấp thông tin phản hồi cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam.

Ông Motoyuki Sugai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kháng kháng sinh – Viện truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho biết, các mục tiêu cụ thể trong lần ký kết hợp tác này gồm: Xác định các bệnh viện của Việt Nam tham gia hợp tác; Phát triển một mô-đun phần mềm để xử lý được các dữ liệu tiếng Việt; Cung cấp cho các bệnh viện hướng dẫn sử dụng hệ thống công nghệ thông tin; Tạo một báo cáo quốc gia về kháng kháng sinh ở Việt Nam và báo cáo phản hồi về kháng kháng sinh cho các bệnh viện tham gia trong Hệ thống giám sát; Phát triển một khung hợp tác bền vững; Xây dựng và phát triển cơ cấu quản trị hệ thống tại Việt Nam.

PGS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, sự hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Kháng kháng sinh – Viện truyền nhiễm Quốc gia, Nhật Bản và các tổ chức liên quan khác sẽ hỗ trợ Việt Nam cải thiện hệ thống giám sát, hướng tới đạt được cơ sở dữ liệu quốc gia về AMR và đồng thời giúp các bệnh viện nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Kháng kháng sinh được ghi nhận là một trong những mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21 do sự lan rộng vi khuẩn kháng thuốc từ nước này sang nước khác (WHO). Năm 2016, trên toàn cầu có 490 000 người đã phát triển bệnh lao đa kháng thuốc và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét. Klebsiella pneumoniae – một loại vi khuẩn đường ruột phổ biến có thể gây nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng đã kháng với kháng sinh carbapenem, xẩy ra ở tất cả các vùng trên thế giới. Ở một số quốc gia, do kháng thuốc, kháng sinh carbapenemtrên đã không điều trị được trên 50% BN nhiễm K. pneumoniae. Theo J. O'Neil, (2014) Ước tính: tử vong do AMR lên đến 10 triệu vào 2050.