Ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lây lan tại cộng đồng

Những tuần trở lại đây, số người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Trong khi đó, thời tiết đang là  yếu tố thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh SXH, khiến nguy cơ số mắc tiếp tục gia tăng mạnh. Điều đó đòi hỏi chính quyền các địa phương, ngành y tế và người dân cần tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân Hà Nội phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: VÂN VÂN
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân Hà Nội phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: VÂN VÂN

Tại Việt Nam, số người mắc SXH thường gia tăng vào mùa mưa. Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 37 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có ba người chết tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Số mắc tập trung cao nhất tại khu vực các tỉnh phía nam (53,4%), sau đó là khu vực miền trung (40,5%), khu vực Tây Nguyên (3,4%), khu vực phía bắc (2,8%).  

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH thời gian qua, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), TS Đặng Quang Tấn cho biết: Ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống SXH, trong đó tập trung vào các hoạt động giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc và xử lý triệt để ổ dịch kịp thời. Sáu tháng đầu năm 2020, cả nước đã xử lý được 3.551 trong 3.592 ổ dịch (đạt tỷ lệ 98,9%); 47 tỉnh, thành phố đã phun hóa chất diệt muỗi chủ động các khu vực có nguy cơ cao bùng phát SXH; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị SXH. Bộ Y tế cũng đã cấp 20 nghìn lít hóa chất diệt muỗi; 80 nghìn tờ bảng kiểm tra loăng quăng bọ gậy phòng, chống SXH cho các đơn vị y tế dự phòng...

Tuy nhiên, tại một số địa phương, như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn ghi nhận số mắc cao từ đầu tháng 7 đến nay. Nguyên nhân được xác định, từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm do điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiều  gia đình sử dụng bồn nước, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp hoặc đậy không kín, ngoài ra còn có các vật liệu phế thải (chai, lọ, chum, vại) chứa nước đọng không được xử lý, là điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và bọ gậy phát triển mạnh, nhất là trong mùa mưa. Đáng lo ngại, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH, chưa chủ động phòng, chống; tỷ lệ người dân tự điều trị tại nhà còn cao. Ngoài ra, mạng lưới y tế mỏng; hoạt động của các cộng tác viên còn yếu. Tại một số địa phương, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị xã hội chưa coi trọng công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, không tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH. Kinh phí Trung ương cấp cho hoạt động phòng, chống SXH lại bị cắt giảm liên tục; kinh phí các địa phương không có hoặc rất hạn chế, cấp muộn, không bảo đảm đủ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Để kịp thời ngăn chặn, không để dịch bệnh SXH bùng phát, lan rộng tại cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương tập trung giám sát chặt chẽ dịch SXH trên địa bàn tỉnh, huyện, xã để phát hiện sớm các trường hợp bệnh, các ổ dịch; điều tra ca bệnh mắc SXH tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý kịp thời. Tiếp tục phun hóa chất ở các ổ dịch nhằm khống chế dịch ngay từ đầu tại các vùng có nguy cơ cao, hạn chế mức thấp nhất dịch lan ra diện rộng; rà soát, xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực xử lý, khống chế, giải quyết triệt để, không để lan rộng kéo dài. Thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và huy động các nguồn lực chống dịch. Có giải pháp phân loại, phân tuyến bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện; điều trị đúng phác đồ, giảm trường hợp tử vong. Các địa phương cần cân đối ngân sách để cấp kinh phí cho công tác phòng, chống SXH, nhằm kiểm soát tốt tình hình SXH cũng như các dịch bệnh khác…