Năm 2020, dân số trung bình đạt 97,3 triệu người

NDO -

NDĐT - Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 vừa được công bố mới đây, đến ngày 1-4-2019, dân số nước ta là 96,2 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực Đông - Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Chỉ tiêu đặt ra của Việt Nam đến năm 2020, dân số trung bình sẽ đạt 97,3 triệu người; tỷ lệ tăng dân số là 1,14%.

Năm 2020, dân số trung bình đạt 97,3 triệu người

Thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Năm 2019 là năm thứ 13 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tầm vóc, thể lực của người Việt được cải thiện; tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao…

Ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Dân số) cho biết: Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 vừa được công bố mới đây, quy mô dân số nước ta là 96,2 triệu người. Như vậy, nước ta đã tăng thêm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm 2018, tương đương tỷ lệ tăng dân số là 1,56%, không đạt kế hoạch năm 2019 (chỉ tiêu dân số là 95,7 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,06%).

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh cả nước năm 2019 là 2,09 con, đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04 con, năm 2018 là 2,05 con). Tuy nhiên, hiện nay, mức sinh rất khác biệt giữa các vùng miền, khu vực.

Kết quả Tổng cục Dân số tổng hợp từ các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31-12-2019, tỷ số giới tính khi sinh trên cả nước là 108 bé trai/ 100 bé gái. Như vậy, nếu so kế hoạch đặt ra là 114 bé trai/100 bé gái thì đã hoàn thành chỉ tiêu khống chế tỷ số giới tính khi sinh. Tuy tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 đã giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao.

Đặc biệt, mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từng bước được mở rộng. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 56,43%, đạt vượt kế hoạch (chỉ tiêu là 45%). Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh là 40%, tăng 2% so với năm 2018 nhưng không đạt kế hoạch (chỉ tiêu là 70%).

Năm 2019, tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng, số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh là 40%, tăng 2% so với năm 2018 nhưng không đạt kế hoạch (chỉ tiêu là 70%).

Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề mới nảy sinh như: Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng; già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới...

Trong khi đó, hệ thống tổ chức bộ máy ở địa phương, đặc biệt là mô hình tổ chức tuyến huyện, xã đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác dân số tại địa phương.

Từ thực tế trên, ông Đặng Văn Nghị cho biết, trọng tâm công tác dân số năm 2020, ngành dân số phấn đấu chủ động duy trì mức sinh thay thế; giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, năm 2020, công tác dân số tiếp tục đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020 gồm, dân số trung bình đạt 97,3 triệu người; tỷ lệ tăng dân số là 1,14%; tổng tỷ suất sinh 2,1%; tỷ số giới tính khi sinh 111,3 bé trai/100 bé gái sinh sống; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 68%; 50% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 80% trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh; số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn giảm 10% so với năm 2019. Số người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất một lần/năm và số cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn tăng 10% so với năm 2019...

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2020, theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình xác định tiếp tục xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật về dân số - kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi; hướng dẫn, đôn đốc theo dõi các địa phương, đơn vị thực hiện mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số.