Mùa lạnh, nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi gia tăng

NDO -

Rét đậm, rét hại liên tiếp trong hơn một tuần qua khiến người cao tuổi nhập viện gia tăng. Đặc biệt, có nhiều ca bị đột quỵ để lại nhiều di chứng.

Bệnh nhân cao tuổi gia tăng trong thời tiết rét đậm những ngày qua. 
Bệnh nhân cao tuổi gia tăng trong thời tiết rét đậm những ngày qua. 

Đột quỵ ở người cao tuổi

Ghi nhận tại khoa Cấp cứu, BV Lão khoa Trung ương, số bệnh nhân cao tuổi đến khám gia tăng nhanh trong những ngày gần đây. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca đột quỵ được đưa vào đây cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện hầu hết trong tình trạng nặng.

BS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng lên, chủ yếu liên quan đến hai nhóm bệnh hô hấp (viêm phổi) và đột quỵ. “Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm”, BS Thắng nói.

Khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân 80 tuổi có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, bị đột quỵ sau khi dậy đi vệ sinh vào lúc 2 giờ đêm. Khi được đưa vào viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng đã liệt nửa người vì đột quỵ.

Có nhiều bệnh nhân phải uống thuốc duy trì huyết áp nhưng không chịu đi đo huyết áp thường xuyên, bỏ thuốc vì thấy cơ thể không có tác động gì của huyết áp nên dễ dẫn tới biến chứng đột quỵ não. 

BS Thắng cho biết, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Người cao tuổi trong thời tiết lạnh dễ bị tổn thương mạch não, cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường dẫn đến đột quỵ. 

Mùa lạnh, nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi gia tăng -0
 Bệnh nhân cao tuổi được chăm sóc tại BV Lão khoa Trung ương.

Tại Khoa Tim mạch can thiệp - Ngoại, BV Lão khoa Trung ương, bệnh nhân gia tăng khoảng 30% so với ngày thường. 

Các bác sĩ cảnh báo, đột quỵ hiện đang là một trong những mối e ngại tới sức khỏe cộng đồng. Trước đây, bệnh thường gặp ở nam hơn 55, nữ hơn 50 tuổi. Hiện nay, bệnh nhân ngày càng trẻ hơn, nhiều thanh niên trẻ tuổi cũng rơi vào tình trạng này.

Khi thời tiết thay đổi đột ngột, người dân dễ mắc bệnh về đột quỵ não, đột quỵ tim. Do đó việc bảo vệ sức khỏe rất quan trọng bằng cách giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa, không đi tập thể dục quá sớm, ăn uống đủ chất tăng sức đề kháng…

Bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi cần kiểm soát tốt bệnh lý nền và thường xuyên tái khám theo hẹn của bác sĩ. Người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...

Đột quỵ do nghiện thuốc lá

Vừa qua, Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hai nam người bệnh bị nhồi máu não cấp. Qua thăm khám, được biết cả hai đều có tiền sử nghiện thuốc lá lâu năm, có người sử dụng 1,5 gói thuốc/ ngày.

Người bệnh thứ nhất sinh năm 1972 (Hải Phòng), tiền sử không rõ tăng huyết áp, tiểu đường, nhưng nghiện thuốc lá trên 20 năm, mỗi ngày trung bình tiêu thụ khoảng 1,5 gói thuốc. Vào thời gian khởi phát bệnh, người bệnh đang làm việc thì đột nhiên tê yếu nửa người bên trái, không nhấc được chân tay lên, không sốt, nôn, co giật. Người bệnh được đưa đến BV Việt Tiệp cấp cứu, phát hiện tắc động mạch cảnh trong bên phải và sau đó chuyển đến BV Trung ương Quân đội vào giờ thứ 5-6.

Tại Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108, người bệnh được chẩn đoán: Liệt nửa người bên trái do nhồi máu não cấp, tắc động mạch cảnh trong bên phải từ ngoài sọ và can thiệp tái thông giờ thứ 6 bằng dụng cụ cơ học.

Người nhà cho biết, bệnh nhân là nhân viên kiểm tra biển báo ngoài khơi, theo anh, do tính chất công việc thường xuyên trực “trên sông nước” nên có thói quen hút thuốc. Mặc dù trước đó đã điều trị lao phổi và gia đình cũng nhiều lần ngăn cấm hút thuốc nhưng người bệnh không bỏ được thuốc.

Đột quỵ mùa lạnh: Người cao tuổi cần chú ý điều gì -0
 Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108.

Trường hợp thứ hai sinh năm 1976 (Hà Nội), vào khoảng 18 giờ ngày 15-12, người bệnh đột ngột liệt nửa người bên phải tăng dần, nói khó sau không nói được, ý thức lơ mơ, không tiếp xúc được. Người bệnh được đưa vào bệnh viện vào giờ thứ 3 của bệnh.

Bệnh nhân được chẩn đoán liệt nửa người phải do nhồi máu não bán cầu trái, tắc động mạch não giữa bên trái, người bệnh đã được can thiệp lấy huyết khối và đặt stent đốc động mạch cảnh trong bên trái. Trường hợp này cũng có tiền sử nghiện thuốc lá lâu năm.

Hiện tại, hai người bệnh trên đều đã qua giai đoạn khó khăn và đang dần ổn định do được nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu trong thời gian vàng.

Theo TS, BS Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108: Các yếu tố nguy cơ đột quỵ não bao gồm hai nhóm nguy cơ, nhóm nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm: tuổi cao, đặc biệt những người hơn 70 tuổi; chủng tộc như người da đen nguy cơ cao hơn người da trắng; giới tính nam nguy cơ cao hơn nữ; yếu tố liên quan đến gen mang tính chất gia đình…

Những yếu tố có thể thay đổi được bao gồm: Tăng huyết áp; đái tháo đường; hút thuốc lá; rối loạn chuyển hoá lipid máu; ít vận động; một số nguyên nhân khác như bệnh lý van tim; rung nhĩ; hẹp động mạch cảnh…

“Nguy cơ đột quỵ sẽ đặc biệt cao ở những người có từ 2-3 yếu tố nguy cơ trở lên. Nghiện thuốc lá lâu năm không chỉ có nguy cơ cao gây ung thư phổi mà còn là một yếu tố nguy hiểm của bệnh lý mạch máu, trong đó có mạch máu não và mạch vành. Hai người bệnh trên tuổi còn trẻ, tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh, người bệnh vẫn tập thể dục thường xuyên, không bị tăng huyết áp, không bị tiểu đường, xét nghiệm mỡ máu bình thường, không có yếu tố nguy cơ nào khác ngoài hút thuốc lá lâu năm”, BS Tuyến cho hay.

Khi gặp người bị đột quỵ cần sơ cứu người đột quỵ bằng cách đặt nằm cao đầu, nằm nghiêng một bên nếu có nôn, rối loạn ý thức. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả nước lọc và gọi ngay cấp cứu.

Thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng.