Mô hình cảnh báo sớm sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh

NDO -

Chiều 22-7, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đánh giá tình hình triển khai mô hình “Hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” (dự án D-MOSS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Chuyên gia dự án trao đổi tại cuộc họp.
Chuyên gia dự án trao đổi tại cuộc họp.

Theo đó, dự án D-MOSS được phát triển trong khuôn khổ một dự án sáng tạo đa bên do Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh tài trợ. Đây là hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết đầu tiên tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh và dữ liệu về thời tiết để đưa ra các cảnh báo thường quy. Trên nền tảng web, D-MOSS có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới sáu tháng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 23.040 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 22,1 lần so cùng kỳ năm 2018 và ghi nhận bốn trường hợp tử vong. Và năm 2019 là năm số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Còn từ đầu năm 2020 đến ngày 18-7-2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 361 trường hơp mắc sốt xuất huyết, giảm 92% so cùng kỳ năm 2019; trong đó ghi nhận 10 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết tại cộng đồng.

Nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, dự án D-MOSS được triển khai tại ba địa phương là huyện Cư M’gar, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột.

Thông qua hệ thống D-MOSS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có thể ước tính khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của dịch sốt xuất huyết, từ đó cảnh báo dịch và chủ động hơn trong việc đưa ra những giải pháp can thiệp sớm.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện các biện pháp, phòng ngừa sốt xuất huyết như: chủ động giám sát véc-tơ định kỳ hằng tháng tại các điểm nguy cơ của địa phương; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết…

Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai dự án D-MOSS trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do các nội dung cập nhật chưa đầy đủ nên việc dự báo chưa được sát với tình hình thực tế; cán bộ tại tuyến huyện chưa được tập huấn các nội dung về thống kê báo cáo, giám sát véc-tơ, lấy mẫu... và thiếu trang thiết bị hỗ trợ.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết, thời gian tới, dự án D-MOSS sẽ có các biện pháp hỗ trợ tỉnh khắc phục những khó khăn, triển khai đạt hiệu quả.