Mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện”

NDO -

NDĐT – Sáng 7-4, Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện” để phòng, chống trầm cảm.

Mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện”

Phát biểu tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trầm cảm hiện là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu và Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, Việt Nam có hơn 3,5 triệu người bị rối loạn trầm cảm (chiếm 4% dân số Việt Nam). Trầm cảm luôn nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở mọi nhóm tuổi, kể cả nhóm dưới 15 tuổi.

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung ở nước ta đã từng bước được quan tâm, tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Các chương trình can thiệp mới chỉ triển khai thí điểm tại một số địa phương trên quy mô nhỏ. Do đó, hiện nay hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ. Đồng thời đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.

Do đó, Bộ Y tế coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, học sinh và thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao bị rối loạn trầm cảm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho các em, giúp các em thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, trang bị kỹ năng sống để các em tích cực tham gia các hoạt động tập thể, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, nhà trường cũng thực hiện quản lý sức khỏe, phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ để tư vấn, giúp đỡ kịp thời và phối hợp với cơ sở y tế, gia đình chăm sóc sức khỏe cho các em.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị cần phải đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông làm cho người dân có nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời, biết cách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn trầm cảm.

Cần phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh và người cao tuổi, thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe, chương trình tăng cường hoạt động thể lực cho người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng. Nếu nghĩ rằng mình bị trầm cảm, người dân hãy trò chuyện với người mình tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bởi vì, trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm. Khi cần trợ giúp chuyên môn, mọi người hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe.