Lần đầu tiên, Việt Nam ứng dụng tế bào gốc CD 34 điều trị bệnh nhược cơ

NDO -

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa ghi dấn ấu y khoa đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công ghép tế bào gốc CD34 điều trị bệnh nhược cơ, mở ra hướng điều trị mới cho các bệnh nhân ở nhóm bệnh tự miễn như bệnh nhược cơ và lupus ban đỏ.

Bệnh nhân V.A tập vận động các cơ theo sự hướng dẫn của điều dưỡng chăm sóc sau khi thực hiện ghép tế bào gốc.
Bệnh nhân V.A tập vận động các cơ theo sự hướng dẫn của điều dưỡng chăm sóc sau khi thực hiện ghép tế bào gốc.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị bệnh nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống”.

Trường hợp bệnh viện vừa can thiệp thành công là bệnh nhân Nguyễn Thị V.A, 1 trong số 40 bệnh nhân nhược cơ mà nhóm nghiên cứu đề tài sàng lọc và chọn để điều trị.

Đại tá, PGS, TS Mai Văn Viện – Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại lồng ngực – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, nhược cơ là một bệnh tự miễn, do đó đòi hỏi phải có khối tế bào gốc tinh khiết, không bao gồm các thành phần khác. Nếu không tinh khiết thì dễ gây ra các phản ứng tự miễn sau ghép.

Vì vậy, bệnh nhân Nguyễn Thị V.A đã được ghép tế bào gốc tự thân tinh khiết CD34. Đây là loại tế bào gốc được tách với độ tinh khiết cao, loại bỏ hoàn toàn các yếu tố tự miễn trong đó.

Lần đầu tiên, Việt Nam ứng dụng tế bào gốc CD 34 điều trị bệnh nhược cơ -0
 Ngày 29/5, bệnh nhân V.A được điều trị điều kiện hóa chất liều cao.

Sau khi tế bào gốc được tách thì bệnh nhân được điều trị điều kiện diệt tuỷ bằng phác đồ hóa chất để chuyển tủy xương trở thành tổ chức hoang mạc. Trên tổ chức tủy xương này các tế bào gốc đã bị diệt hoàn toàn. Do đó, khi chỉ truyền lại tế bào gốc tinh khiết CD34 sẽ là một thách thức cho các thầy thuốc cũng như bệnh nhân. Đó là điểm khác biệt, tinh tế trong điều trị bệnh nhân nhược cơ bằng tế bào gốc CD34 so với các loại bệnh khác.

Các y, bác sĩ dùng hóa chất kết hợp với yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt, để kích tế bào gốc từ tủy xương ra máu ngoại vi. Sau đó thu thập tế bào gốc bằng máy chuyên dụng. Các tế bào gốc sau khi thu thập sẽ được xử lý qua máy CliniMACs để tách riêng tế bào CD34 ra khỏi khối tế bào gốc đơn nhân. Sau đó tế bào gốc được bảo quản ở tủ có nhiệt độ âm sâu (-196 độ).

Sau khi tế bào gốc đã tách ra, bệnh nhân được sử dụng phác đồ điều kiện với hóa chất liều cao diệt tủy. Cuối cùng các bác sĩ lấy tế bào gốc đã được bảo quản lạnh truyền lại cho bệnh nhân. Sau đó các tế bào gốc đó sẽ mọc ghép trên tủy xương của bệnh nhân và sinh ra hệ miễn dịch mới.

Lần đầu tiên, Việt Nam ứng dụng tế bào gốc CD 34 điều trị bệnh nhược cơ -0
 Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện đến thăm bệnh nhân trước khi ra viện.

Sau hơn 1 năm chuẩn bị, 90 ngày thực hiện kỹ thuật, những ngày căng thẳng cân não, theo dõi bệnh nhân sát sao, từ quá trình diệt tủy, đưa cơ thể bệnh nhân về trạng thái không có khả năng đáp ứng miễn dịch để sẵn sàng ghép, thực hiện ghép tế bào gốc CD34 và theo dõi quá trình mọc ghép hàng ngày, kết quả mọc ghép theo đúng tiến độ.

Sau khi điều trị, tình trạng nhược cơ của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt từng ngày. Các cơ toàn thân được hồi phục hầu như hoàn toàn. Các thuốc để điều trị nhược cơ được giảm liều xuống thấp và dự kiến sẽ cắt hoàn toàn để hướng đến mục tiêu giúp cho bệnh nhân không còn phụ thuộc vào thuốc.

Bệnh nhân có thể vận động được và ngày 29/6 bệnh nhân đã được ra viện trong sự vui mừng phấn khởi của cán bộ nhân viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng như bệnh nhân và gia đình.

Lần đầu tiên, Việt Nam ứng dụng tế bào gốc CD 34 điều trị bệnh nhược cơ -0Bệnh nhân V.A chụp ảnh kỷ niệm cùng Ban Giám đốc bệnh viện và các bác sĩ điều trị trực tiếp.
 

Đại tá PGS, TS, TTƯT Nguyễn Hoàng Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đánh giá, khi quy trình kỹ thuật này được ứng dụng trong lâm sàng sẽ triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân ở nhóm tự miễn như nhược cơ và lupus ban đỏ sẽ thành thường quy ở bệnh viện để tạo điều kiện để các bệnh nhân ở nhóm bệnh này – đó là những bệnh nhân không còn khả năng điều trị thông thường nữa, có cơ hội để duy trì được chất lượng cuộc sống tốt.

Bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn mắc phải do cơ thể người bệnh có các tự kháng thể chống lại các thụ thể với Acetylcholin ở màng sau xi-náp thần kinh - cơ làm cho các thụ thể này bị giảm sút cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn tới tình trạng giảm hoặc mất dẫn truyền thần kinh- cơ, làm cho cơ bị mất trương lực, không co được và gây ra tình trạng nhược cơ ở ngươì bệnh. Người bệnh có thể bị tàn phế do tình trạng nhược cơ toàn thân và có thể tử vong do các cơn nhược cơ hô hấp kịch phát.