“Lá chắn sống” trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Đà Nẵng

NDO -

Một trong những yếu tố không nhỏ quyết định việc Đà Nẵng khống chế thành công dịch Covid-19 là truy vết thần tốc, tăng tốc xét nghiệm, khoanh vùng phong tỏa, thiết lập cơ sở cách ly và tập trung điều trị bệnh. Một mắt xích quan trọng của chuỗi công việc này thuộc về đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên, kiểm dịch viên thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng).

Lực lượng CDC tăng tốc truy vết khu vực ca mắc Covid-19 416, tháng 7-2020.
Lực lượng CDC tăng tốc truy vết khu vực ca mắc Covid-19 416, tháng 7-2020.

Vừa trở về từ vùng dịch của tỉnh Gia Lai sau thời gian tham gia hỗ trợ tỉnh bạn truy vết, khoanh vùng dập dịch, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đà Nẵng, chia sẻ: Thực ra để ngồi nhớ lại những thời khắc “cân não” đó, chúng tôi biết hiện nay các địa phương đang có dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng rất khó khăn. “Dù Đà Nẵng đang tạm yên, nhưng chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng vì mối nguy cơ thường trực”.

Bác sĩ Lãm nhớ lại, ngày 23-7-2020, CDC Đà Nẵng làm xét nghiệm hai lần với SARS-COV-2 cho kết quả dương tính với một bệnh nhân nam, 58 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Mẫu xét nghiệm làm tại Viện Pasteur Nha Trang cho kết quả dương tính với SARS-COV-2 sáng 24-7-2020. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, có kết quả khẳng định dương tính với SARS-COV-2 vào sáng 25-7-2020. Đó là ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng tại Đà Nẵng được công bố, bệnh nhân 416, sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mới trong cộng đồng.

“Lá chắn sống” trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Đà Nẵng -0
 Phun khử khuẩn hàng chục điểm nóng…

Cuộc chiến bắt đầu và thời gian sau đó, mọi thứ rất khó khăn đối với lực lượng CDC trong truy vết, khoanh vùng. Sức khỏe bệnh nhân diễn biến xấu và nhanh. Sáu ngày sau đó (31-7-2020), Đà Nẵng ghi nhận 93 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Đỉnh điểm nhất là ngày 31-7-2020 với 45 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Lúc đó, CDC đã huy động toàn lực lượng, rút lực lượng đang làm việc tại sân bay, cảng biển về, huy động thêm các tình nguyện viên. Tất cả, chia thành nhiều tổ, nhóm, làm việc, truy vết, xét nghiệm, nhập liệu, báo cáo, hướng dẫn tổ Covid-19 trong cộng đồng…

“Chúng tôi đã phân ra từng tổ truy vết, mỗi tổ truy vết hai ca, làm xuyên ngày đêm. Đây là ngày khó khăn và vất vả nhất vì trong số 45 ca bệnh này, đa số là người mắc bệnh nền, thở máy, rơi vào hôn mê và không thể lấy thông tin. Lượng công việc khổng lồ trong khi nhân lực mỏng. Lúc đó, lãnh đạo CDC động viên anh em cố gắng làm việc, nhanh chóng tiếp cận nhiều nguồn để nắm thông tin, lọc nhanh đối tượng F1. Áp lực cao, chúng tôi chạy đua với thời gian”, bác sĩ Lãm nhớ lại.

Khó khăn nhiều, đối tượng bệnh nhân lại thuộc nhiều địa phương. Có bệnh nhân người nước ngoài. Bếp ăn tại cơ quan được tổ chức, anh em ăn, nghỉ lại trụ sở CDC.

Tiến hành truy vết nhanh nhất ngay khi có thông tin ca bệnh. Khi có ca bệnh, lập tức xác định mốc “dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Huy động đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được và áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp truy vết; tổng hợp và lọc nhanh nhất các đối tượng F1, nhanh chóng cách ly, ngăn chặn nguy cơ bùng dịch.

“Lá chắn sống” trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Đà Nẵng -0
Giám sát chặt chẽ các chuyến bay giải cứu công dân về nước. 

Làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng với 389 ca Covid-19; 355 ca khỏi bệnh; 31 ca tử vong ghi nhận tại Đà Nẵng; ba ca tử vong sau khi điều trị khỏi Covid-19.

Ngày 10-8-2020, Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ngày 23-9-2020, Bệnh nhân Covid-19-19 cuối cùng tại TP Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

“Đến tháng 9-2020, khi Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng cho hơn 72 nghìn hộ gia đình. Và kết quả âm tính. Thực sự đến lúc đó chúng tôi mới thở phào, bớt áp lực”, bác sĩ Lãm nhớ lại.

“Lá chắn sống” trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Đà Nẵng -0
Hàng nghìn mẫu xét nghiệm cho người nước ngoài sinh sống, mắc kẹt tại Đà Nẵng được tiến hành, tháng 8-2020. 

Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng Phạm Trúc Lâm đúc kết: Để có được thành công này, đầu tiên là sự thống nhất, chỉ huy quyết liệt từ Thành phố đến sở, ban, nghành, địa phương, quận, huyện - toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc. Cho nên khi ngành y tế, CDC phát lệnh truy vết F1, F2, thì không chỉ là y tế quận, huyện tiến hành truy vết mà cả hệ thống chính trị các địa phương đã phải bắt tay vào cùng hành động. Đó là lý do tại sao Đà Nẵng truy vết nhanh và gần như phủ kín. Thứ hai là sự hợp tác của nhân dân, kể cả người bị bệnh, F1, sự hợp tác của các tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng. Thứ ba là việc phân nhóm truy vết theo các quận huyện, địa bàn, khu vực một cách toàn diện và sử dụng rất nhiều các biện pháp, phương pháp truy vết từ thủ công là phỏng vấn bệnh nhân cho đến áp dụng công nghệ thông tin, để nhanh chóng tiếp cận, khoanh vùng đối tượng.

“Tiêu chí bảo đảm an toàn, phòng hộ tuyệt đối cho lực lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Tất cả anh em làm việc các khâu, các đầu mối buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt trang phục phòng hộ, bảo hộ. Lực lượng CDC là mắt xích quan trọng, là nhóm đối tượng đầu tuyến với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất, nhưng chúng tôi đã bảo toàn lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Phạm Trúc Lâm, khẳng định.

Trong những ngày gian nan, vất vả bủa vây đó, với bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, nước mắt đã rơi khi cùng với anh em chứng kiến nhiều bệnh nhân ở trong hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo và đau đớn tột cùng nhất. Nhớ nhất là trường hợp bệnh nhân 758, nam, 36 tuổi (quê xã Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), bệnh nhân này là ca mắc Covid-19 tử vong thứ 28 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam. “Người em trai chăm sóc bệnh nhân này cũng nhiễm Covid-19. Lúc chúng tôi làm nhiệm vụ truy vết, hiểu và thương quá, anh em mỗi người một ít, kêu gọi, chung tay giúp đỡ. Cảm động vô cùng khi sau ngày dịch bệnh được khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, gia đình hai em này đã lặn lội từ quê ra thăm và cảm ơn chúng tôi. Nhận món quà quê là trái cây với xoài, chuối, cam được hái từ vườn nhà. Chúng tôi đã không cầm được nước mắt”.

Những ngày này, tại cảng biển, sân bay, lực lượng kiểm dịch CDC Đà Nẵng vẫn miệt mài làm việc, kiểm tra, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Lực lượng y bác sĩ, kiểm dịch CDC Đà Nẵng tại sân bay vẫn làm việc với quy trình nghiêm ngặt, khép kín với đồ bảo hộ khi thực hiện liên tục các chuyến bay chuyên chở chuyên gia nhập cảnh Đà Nẵng, các chuyến bay giải cứu công dân từ vùng dịch về nước. Tại ga quốc nội, lượng khách đến Đà Nẵng từ nhiều địa phương, trong đó, có cả vùng đang có dịch, là mối lo, là nguy cơ thường trực, dịch bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào nếu việc kiểm tra, chốt chặn không nghiêm ngặt.

“Lá chắn sống” trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Đà Nẵng -0
Lực lượng CDC tuyến đầu tại cửa khẩu Sân bay Đà Nẵng. 

Bước chân của những “người lính lặng thầm” CDC Đà Nẵng, vẫn luôn túc trực cùng với lực lượng y bác sĩ tuyến đầu, là lá chắn sống trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Như lời bác sĩ Lãm: “Nghề y, đôi khi, hạnh phúc chỉ đơn giản là được làm việc, cống hiến và hết lòng vì công việc và được nhớ, như chúng tôi đã trải qua và nhắc chúng tôi tiếp tục chiến đấu đến cùng với dịch bệnh, trong thời điểm cả thế giới chưa bình yên như hiện nay. Mong sao, dịch bệnh nhanh kết thúc”.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan