Nhìn từ Bệnh viện

Kỳ tích

Dù sức khỏe vẫn chưa phục hồi tốt, vẫn còn đau, nhưng nụ cười đã thường xuyên xuất hiện trên gương mặt chị Nguyễn Thị Hương (ở huyện Văn Yên, Yên Bái). Hành trình 12 ngày vượt qua “cửa tử” của chị Hương chắc chắn sẽ là câu chuyện để đời, còn được nhắc lại nhiều lần.

Với một biến chứng sản khoa hiếm gặp là tắc mạch ối thì tại các trung tâm, bệnh viện lớn nguy cơ sản phụ chết cũng là rất cao, chứ chưa nói đến các bệnh viện vùng cao, còn nhiều khó khăn như Yên Bái. Nhưng với sự phối hợp tốt giữa bệnh viện tuyến dưới và bệnh viện tuyến trên; sự chi viện kịp thời, hiệu quả của các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã cứu sống chị Hương khi đã bị hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Khó có thể diễn tả hết được hành trình cứu sống sản phụ này, nhưng quá trình đó luôn là một thử thách vô cùng lớn đối với những người thầy thuốc. Một chuyên gia đầu ngành về cấp cứu, có gần 30 năm kinh nghiệm cho biết: tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa hiếm gặp cực kỳ nguy hiểm, chỉ có một, hai ca trong 100 nghìn ca sinh, có tỷ lệ tử vong lên tới 90%; biến chứng này không thể dự phòng được và chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu.

Các số liệu thống kê cho thấy, trong 12 ngày, người bệnh được truyền tới gần 90 đơn vị máu và chế phẩm từ máu, tương đương hơn 30 lít máu, gấp sáu lần lượng máu mà cơ thể mỗi người có… đây là số lượng máu kỷ lục được truyền để cứu một người bệnh. Trong thời gian đó, người bệnh cũng năm lần được siêu lọc máu liên tục (mỗi lần kéo dài từ 18 đến 24 giờ); chạy thận nhân tạo bốn lần; sử dụng kết hợp ba loại kháng sinh thế hệ mới...

Những người đứng đầu ngành y tế địa phương đã khẳng định, việc cứu sống người bệnh đã ngừng tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng đã phẫu thuật lấy thai nhi do tắc mạch ối là kỳ tích của tỉnh Yên Bái từ trước đến nay. Các bác sĩ đã chẩn đoán đúng, xử lý chính xác ngay từ tuyến huyện, cùng sự quyết tâm cao của bác sĩ tuyến tỉnh, sự chi viện của bệnh viện tuyến trên đã cứu sống người bệnh.