Không lơ là bệnh tay - chân - miệng

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) xuất hiện quanh năm ở nước ta, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hiện nay, thời tiết mùa hè, điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm đang là những yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh TCM. Ðể ngăn chặn kịp thời dịch bệnh TCM ở cộng đồng, ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả.

Bác sĩ Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) kiểm tra cho cháu bé bị bệnh tay - chân - miệng.
Bác sĩ Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) kiểm tra cho cháu bé bị bệnh tay - chân - miệng.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến đầu tháng 7-2020, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có người chết. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%, tử vong giảm hai trường hợp. Tuy nhiên, tại Hà Nội, tính đến ngày 12-7, thành phố có 624 trường hợp mắc (tăng 84% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 422 trường hợp phải nhập viện (chiếm 68%). Người bệnh phân bố tại cả 30 quận, huyện, thị xã tại 235 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Ðáng chú ý, tích lũy từ đầu năm Hà Nội có 42 ổ dịch tại 15 quận, huyện, 31 xã, phường, trong đó có chín ổ dịch tại cộng đồng; 27 ổ dịch tại trường học và sáu ổ dịch kết hợp. Hiện còn 25 ổ dịch đang xảy ra tại các quận, huyện: Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Ðông Anh, Gia Lâm, Hà Ðông, Hoài Ðức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thanh Xuân…

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết: Bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm vi-rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, do các loại vi-rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi-rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi-rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Vi-rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây chết người. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ; tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến chết người nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh TCM có quanh năm, nhưng thường tăng mạnh vào từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế bệnh lây lan tại cộng đồng…

Ðáng lo ngại, những tuần gần đây, bệnh TCM đang có xu hướng tăng tại một số địa phương do thời tiết thuận lợi; điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh TCM tại cộng đồng. Do vậy, để chủ động phòng, chống bệnh TCM hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh TCM tại địa phương mình. Ngành y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lây lan, kéo dài. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt thu dung, điều trị người bệnh, trong đó cần lưu ý đối với các người bệnh nặng; chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh và đáp ứng các tình huống dịch bệnh; kiện toàn đội cơ động chống dịch, cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi cần thiết; tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế…

Ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại các trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm những nội dung khuyến cáo ngành y tế đưa ra như: thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Ðáng chú ý, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà-phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Ðối với các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ nhằm phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời...

Yêu cầu tăng cường điều trị bệnh tay - chân - miệng

Ngày 18-7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn khẩn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ, ngành tăng cường công tác điều trị bệnh TCM.

Theo đó, các đơn vị rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các ca bệnh. Các bệnh viện đầu ngành và các bệnh viện bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh.