Huy động nguồn lực, điều trị người nhiễm Covid-19

Hiện phần lớn các ca bệnh Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện đều được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng. Tuy nhiên có MỘT SỐ trường hợp nặng hơn, phải thở máy. Ngay sau khi xuất hiện những ca nặng, ngành y tế đã tập trung nguồn lực, nhất là các chuyên gia đầu ngành cùng hội chẩn, đưa ra các phương án, phác đồ điều trị hiệu quả.

 Thăm, khám người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.
Thăm, khám người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.

Bộ Y tế cho biết, đến chiều 25-3 cả nước có 124 người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại 16 cơ sở y tế. Phần lớn các ca bệnh đang được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng. Ðáng chú ý có 26 người bệnh xét nghiệm âm tính lần 1 và 7 người xét nghiệm âm tính

lần 2. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư có 3 người bệnh đang có diễn tiến nặng, trong đó có 2 người phải thở máy và một người chạy hệ thống ECMO.

Ngay khi nhận thông tin về diễn biến nặng của người bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã liên hệ và đề nghị GS, TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực phối hợp, hỗ trợ chuyên môn trong điều trị cho những người có diễn biến nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, một đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 để hội chẩn điều trị cho người bệnh. Tại điểm cầu Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, hô hấp, tim mạch... cũng thường xuyên hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 trong điều trị cho người bệnh nặng. Qua hội chẩn, các chuyên gia bàn, chia sẻ ý kiến về theo dõi, điều trị cho những người bệnh nặng. PGS,TS Ðào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau khi được thở máy, lọc máu và các biện pháp hồi sức tích cực, ô-xy máu của những người bệnh nặng đã cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn trong tình trạng nặng. Các chuyên gia sẽ tiếp tục hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn liên tục hằng ngày.

Tại các cuộc hội chẩn, Bộ Y tế cũng đề nghị Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên quản lý, điều trị, chăm sóc toàn diện cho người bệnh Covid-19, nhất là những ca bệnh có diễn biến nặng, người bệnh phải thở máy, lọc máu… Bệnh viện cần thường xuyên hội chẩn ngay liên khoa trong bệnh viện, thậm chí hội chẩn liên viện (khi cần) để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh. Mặt khác tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị để quản lý và chăm sóc hiệu quả người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất người bệnh chết và lây nhiễm chéo cho cán bộ y tế.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, đối với những người bệnh Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mạn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mạn tính… thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tiến công của vi- rút. Phân tích cụ thể hơn, theo TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Ðột quỵ (Bệnh viện Lão khoa T.Ư), thống kê mới về dịch Covid-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mạn tính, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị Covid-19 sẽ khiến các bệnh mạn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp và người bệnh rất dễ bị chết.

Giải thích về vấn đề người cao tuổi dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS, TS Hồ Thị Kim Thanh (Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội) cho biết, ngoài việc phải uống rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm vi-rút, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính gây phức tạp cho việc điều trị.

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chiều 24-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định: Ngành y tế đang tập trung trang thiết bị tốt nhất, nhân lực giỏi nhất để điều trị cho những người nhiễm Covid-19. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị bệnh viện tập trung theo dõi các ca bệnh Covid-19 bước sang tuần thứ 2, nhất là những trường hợp có biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp để có hướng xử lý phù hợp. Trong quá trình điều trị thực hiện thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa và khử khuẩn thường xuyên, phòng áp lực âm chỉ sử dụng cho những trường hợp thật sự cần. Ðồng thời rà soát lại công tác nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra lại khu cách ly, việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế khi khám, chữa bệnh...