Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Hướng tới tăng quyền và nghĩa vụ của người bệnh

NDO -

NDĐT – Chín năm qua khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thi hành, ngành y tế đã có những thay đổi đột phá, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, để không “ghè đá vào chân” làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế, thì luật này sẽ phải sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung hành lang pháp lý cho phù hợp với thực tiễn, tăng quyền và nghĩa vụ của người bệnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Đây là những nội dung được thảo luận trong Hội nghị tổng kết chín năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) do Bộ Y tế tổ chức diễn ra sáng 12-7.

Người dân được tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất

Trải qua chín năm thực hiện, Luật KB, CB (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011) đã có những ảnh hưởng quan trọng và giúp lĩnh vực khám, chữa bệnh (KCB) có những bước phát triển mạnh mẽ.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, luật này đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB - giữa khu vực nhà nước và tư nhân, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế và cơ sở KCB phát triển rộng khắp, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ KCB có chất lượng tốt.

Chín năm qua, đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển mạnh mẽ và đã có sự thay đổi tích cực trong đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn. Đặc biệt, với việc Ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm chất lượng bệnh viện, hướng tới bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế ngày càng tăng, trung bình hơn 80% ở các loại khảo sát.

Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh. So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh.

Đến nay, toàn quốc đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh. Điều này đã giúp tỷ lệ chuyển tuyến giảm khoảng 65-100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh.

Thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Hiện nay, 100% số xã có trạm y tế (TYT), khoảng 87,5% TYT xã có bác sĩ làm việc; 97% TYT xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 74,3% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%; gần 80% TYT xã thực hiện KCB bảo hiểm y tế.

Tại các đô thị đã thí điểm mô hình y học gia đình, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại địa bàn sinh sống. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong các nước có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh.

Về y tế chuyên sâu, đã hình thành được các trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế - Đà Nẵng; xây dựng một số bệnh viện đa khoa tỉnh làm nhiệm vụ vùng. Ngành y tế cũng đã và đang đầu tư năm bệnh viện Trung ương tuyến cuối tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực để phát triển các chuyên khoa, kỹ thuật cao. Một số kỹ thuật chuyên ngành đạt tốp đầu khu vực, nhiều nước đã đến học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân trên địa bàn.

Việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và tổ chức hệ thống cơ sở KCB đã góp phần đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần người dân, bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giảm tính trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên...

Tăng quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh khi sửa đổi luật

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, sau chín năm triển khai Luật KB, CB, hiện nay luật này có rất nhiều điểm bất cập cần phải chỉnh sửa.

Điểm đầu tiên, TS Quang cho rằng, khái niệm KB, CB chưa bao quát hết các dịch vụ y tế theo cách tiếp cận chăm sóc toàn diện (bao gồm cả chăm sóc y tế và phi y tế). Đồng thời, cần xem xét để sửa đổi Chứng chỉ hành nghề (hiện nay chỉ có Việt Nam sử dụng khái niệm này) thành Giấy phép hành nghề cho phù hợp. “Chỉ khi nào gọi là giấy phép mới có thể cấp phép hoặc rút phép, còn chứng chỉ thì chỉ là sự công nhận khi đương sự hoàn thành một trình độ nào đó”, TS Quang nói.

Hướng tới tăng quyền và nghĩa vụ của người bệnh ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Hiện nay, luật cũng đang thiếu các khái niệm về chăm sóc toàn diện, điều trị ban ngày, bác sĩ gia đình, cơ sở y tế phi lợi nhuận, sự cố y khoa. Trong đó, để tránh những hiểu nhầm tất cả sự cố y khoa là sai sót chuyên môn, theo TS Quang, trong luật ở phần giải thích từ ngữ chung nên đưa khái niệm sự cố y khoa, trong đó định danh ra hai loại, một loại là sai sót không mong muốn và một loại là sai sót chuyên môn.

Về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, TS Quang cho rằng, quyền tôn trọng bí mật riêng tư được quy định tại Điều 8 vẫn chung chung và chưa đầy đủ. Việc giữ bí mật về tình trạng sức khỏe không chỉ là giữ bí mật thông tin trong bệnh án, mà cần mở rộng thành quy định giữ bí mật toàn bộ quá trình trao đổi, điều trị giữa bệnh nhân và người hành nghề KCB.

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung quyền được khiếu kiện, đền bù, bồi thường thiệt hại khi người bệnh là nạn nhân của sai sót chuyên môn. "Luật đã có một chương riêng về sai sót chuyên môn nhưng chỉ quy định vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý và người hành nghề KCB mà không đề cập đến quyền được bồi thường của người bệnh. Trong khi đó người bệnh là người chịu tổn thất trực tiếp nhưng luật lại chưa quy định quyền của họ khi có sai sót chuyên môn xảy ra", TS Quang nói.

Nghĩa vụ của người bệnh quy định trong luật chưa phù hợp như: nghĩa vụ phải bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, môi trường làm việc cho nhân viên y tế cũng như người sử dụng dịch vụ y tế khác tại bệnh viện. Với thực trạng người nhà bệnh nhân và một số đối tượng khác gây mất trật tự và bạo hành tại các cơ sở KCB, ý kiến của rất nhiều cán bộ y tế đề nghị cần bổ sung những quy định, nghĩa vụ đối với tất cả các đối tượng đến cơ sở KCB chứ không chỉ là người bệnh, và cần phải quy định tình tiết tăng nặng khi có vi phạm.

Đặc biệt, luật cũng đang bỏ sót các hành vi bị nghiêm cấm như: thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí gây khó khăn cho cơ sở; cấm lưu trú trong cơ sở y tế không vì mục đích KCB; cấm sử dụng rượu bia khi đi KCB; cấm đập phá tài sản, cấm bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức; cấm tự ý xâm nhập vào khu vực chuyên môn của nhân viên y tế.

Ngoài ra, còn nhiều khoảng trống về cấp chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong KCB; giải quyết tranh chấp trong KCB; ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB; an ninh bệnh viện… đòi hỏi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong thời gian tới đây.