Hướng tới không còn giới hạn giữa các tuyến khám, chữa bệnh

Bộ Y tế vừa chính thức triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Khám, chữa bệnh từ xa không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh…

Một buổi khám, chữa bệnh từ xa do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện.
Một buổi khám, chữa bệnh từ xa do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện.

Theo đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" của Bộ Y tế có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sáu bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia. Ðề án hướng đến năm mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn. Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí tiền túi của người dân.

Các hoạt động chính là tư vấn y tế từ xa (tele-health): thành lập và duy trì bộ phận khám, chữa bệnh từ xa tại bệnh viện; tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sĩ đến người dân. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, từ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới tới trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám tuyến huyện, xã. Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa hiện được các nhà cung cấp triển khai ở một địa điểm để gửi hình ảnh chụp của người bệnh cho một chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại một địa điểm khác và nhận được lời khuyên nhanh nhất về tình trạng người bệnh. Hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh. Giải pháp hội chẩn xét nghiệm, giải phẫu bệnh từ xa cho phép các bác sĩ và chuyên gia trao đổi, chia
sẻ kết quả, tình trạng bệnh lý… để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa, giải pháp phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như rô-bốt và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị trên thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật. Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế…

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa". Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên "chất lượng cao hơn"; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được "lan tỏa xa hơn" tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Trong giai đoạn 2020 - 2021 ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới. Sang giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên. Giai đoạn sau năm 2025, đánh giá hiệu quả hoạt động, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở rộng đề án. Hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn khám, chữa bệnh từ tuyến trên cho tuyến dưới hoặc cho các bệnh viện cùng tuyến được tổ chức thực hiện trên cơ sở kết nối giữa bệnh viện với bệnh viện, hoặc giữa bệnh viện - thầy thuốc kết nối tới người dân. Một thầy thuốc tuyến trên có thể hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều thầy thuốc tuyến dưới.

Để đề án được triển khai theo đúng tiến độ và đạt mục tiêu đề ra, theo các bệnh viện tham gia đề án thì rất cần các cơ chế, nhất là về tài chính và công nghệ. Mà trước tiên cần xây dựng nền tảng công nghệ thống nhất, sau đó chia ra các nhánh chuyên môn, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" dẫn đến việc kết nối khó khăn, gây lãng phí tiền của, công sức…