Hơn 1,2 triệu lượt người được xét nghiệm rRT-PCR

NDO -

Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 1,2 triệu lượt người được xét nghiệm rRT-PCR. Các ổ dịch đã cơ bản được khống chế và trong hai tuần qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. 

Hơn 1,2 triệu lượt người được xét nghiệm rRT-PCR

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.063 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 406 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước. Việt Nam đã có 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm 31 trường hợp tại Đà Nẵng, ba trường hợp tại Quảng Nam và một tại Quảng Trị. 

Từ ngày 23-7 đến nay cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (tám), Quảng Trị (bảy), Bắc Giang (sáu), Quảng Ngãi (năm), Lạng Sơn (bốn), Đắk Lắk (ba), Đồng Nai (hai), Thái Bình (một), Hà Nam (một), Thanh Hóa (một) và Khánh Hòa (một).

Từ 23-7 đến 15-9, Việt Nam thực hiện 645.787 xét nghiệm trong tổng số 1.083.798 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch, chiếm 59,6%.

Trong đó, TP. Đà Nẵng đã thực hiện 152.202 xét nghiệm (15/9 xét nghiệm 348 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 124.439 xét nghiệm (đã bao gồm 71.300 mẫu được 4 đơn vị hỗ trợ từ đầu tháng 8) (15/9 xét nghiệm 145 mẫu); TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 122.452 xét nghiệm (15/9 xét nghiệm 866 mẫu). Hiện nay, tổng số người đã được xét nghiệm là 1.260.628 lượt người.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo “Hướng dẫn giám sát, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh vào Việt Nam” trong tình hình mới với việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương. Bộ Y tế đang xin ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế cũng tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh. Khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 tại các cửa khẩu, sân bay phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”; Xây dựng phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực “an toàn” sau nhiều ngày không ghi nhận các mắc mới trong cộng đồng.

Bộ cũng tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòn,g chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.

Trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ cũng nâng cao năng lực cho các địa phương, đơn vị theo các hướng dẫn cập nhật, bổ sung về giải pháp chuyên môn kỹ thuật phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”.

Đồng thời, Bộ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch trong các cơ sở y tế không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở y tế. Tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương để nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19