Hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch Covid-19

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong ngày 19-4 cả nước ghi nhận bảy ca mắc mới Covid-19 (người bệnh từ thứ 2.785 đến 2.791), tất cả đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Ðà Nẵng, Yên Bái, Phú Yên, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh. Hiện những người bệnh này đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện: Phổi Ðà Nẵng, Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; đa khoa tỉnh Phú Yên; dã chiến Củ Chi và Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Trong số những người mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế cũng đã có 45 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần.

Ngày 19-4, thực hiện sự điều động của Bộ Y tế, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường về hỗ trợ tỉnh Kiên Giang công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðội phản ứng nhanh gồm 13 thành viên đến từ nhiều khoa, phòng sẽ thực hiện các nhiệm vụ: Phối hợp chính quyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 địa phương khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp hai bệnh viện dã chiến ở TP Hà Tiên và TP Rạch Giá; phối hợp xây dựng một đơn vị hồi sức tích cực có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho người bệnh nặng (bao gồm cả hệ máy tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hà Tiên, nơi được xác định là đơn vị tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người bệnh Covid-19…

Ngoài ra, để chủ động các phương án, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác điều trị, sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh tại Kiên Giang, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp địa phương xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân nặng đến rất nặng; tập huấn, hướng dẫn giúp ngành y tế địa phương có thể làm chủ các kỹ thuật khó trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu…

Trong ngày 19-4, một số địa phương tiếp tục triển khai tiêm, tập huấn và tiếp nhận các lô vắc-xin phòng Covid-19. Ngành y tế tỉnh Phú Yên bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 đồng loạt trên địa bàn chín huyện, thị xã, thành phố. Theo kế hoạch, đợt tiêm chủng đầu diễn ra từ ngày 19 đến 26-4, Sở Y tế dành 3.000 liều vắc-xin ưu tiên tổ chức tiêm trước cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Số vắc-xin còn lại sẽ tiêm cho thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, các phóng viên phụ trách công tác y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh... Ngoài 5.600 liều vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ từ trước, Phú Yên còn được phân bổ thêm 950 liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho lực lượng công an, bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, chốt kiểm tra y tế.

TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 cho 8.872 người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, gồm nhân viên thuộc 71 cơ sở y tế và nhân viên các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố. Ngày 19-4, thành phố bắt đầu triển khai tiêm đợt hai với buổi tiêm đầu tiên tổ chức tại Bệnh viện
Quận 1. Với 56.250 liều vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp đợt này, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng đợt hai cho những nhân viên y tế đã được tiêm mũi một trong đợt một; người làm việc trong các cơ sở y tế chưa được tiêm vắc-xin và nhóm nhân viên làm việc ở nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất có tiếp xúc với hành khách, hàng hóa nhập cảnh. Ðây là nhóm có nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19 và làm việc trong các cơ sở, đơn vị trọng yếu, cần được bảo đảm an toàn cao nhất phòng ngừa dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan.

Sáng 19-4, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái, Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: Vào 2 giờ sáng 18-4, tại khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái) đã tiếp nhận đoàn chuyên gia Ấn Ðộ gồm 11 người nhập cảnh vào Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ngay sau khi về cách ly, toàn bộ đoàn được lấy mẫu xét nghiệm và xác định một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. UBND tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các lực lượng liên quan rà soát những trường hợp tiếp xúc gần để cách ly, giám sát, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Ðồng thời chuyển người bệnh về điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và tổ chức phong tỏa, xử lý môi trường khu vực khách sạn Như Nguyệt 2.

PGS, TS Ðào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết: Ðiều trị rối loạn đông máu sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (phản ứng cực kỳ hiếm gặp) cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được kết nối tới 1.500 điểm tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

Hiện tại Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đã xây dựng xong phác đồ "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc-xin Covid-19". Phác đồ xây dựng theo hướng rất chi tiết, dễ theo dõi và thực hiện ngay tại cộng đồng và y tế cơ sở. Ðồng thời cũng hướng dẫn người tiêm vắc-xin phát hiện sớm dấu hiệu sau khi tiêm để tới các cơ sở điều trị kịp thời.

PV