Họ đã trải qua "cuộc chiến" hơn 110 ngày đêm như thế

NDO -

NDĐT – “Cơn bão” số ca mắc Covid-19 ập đến vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19 khiến các bác sĩ ở tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân đều hoang mang, mơ hồ sự sợ hãi. Đã có những bác sĩ mắc bệnh. Nhưng họ đã chọn cách cùng ở lại, cùng cách ly và làm việc hơn 100% sức lực, để chống lại một loại virus biến ảo, vì sự bình an của người bệnh.

Ê-kíp bác sĩ rút ECMO cho bệnh nhân 19.
Ê-kíp bác sĩ rút ECMO cho bệnh nhân 19.

Hơn 110 ngày chiến đấu vì sức khỏe người bệnh

Ngày 26-1 (mùng 2 Tết) ca dương tính đầu tiên nhập viện là công nhân ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc từ Vũ Hán về nước. Kể từ hôm đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng cho một nhiệm vụ rất quan trọng với đất nước - đó là tập trung toàn bộ trí tuệ, nhân lực để nghiên cứu, điều trị bệnh nhân.

5/6 bệnh nhân ở giai đoạn 1 nhập viện. Khi đó, virus corona chủng mới vẫn còn mới toanh, thông tin vẫn rất ít ỏi và đều chưa có phác đồ điều trị. Nhưng với kinh nghiệm trải qua nhiều đợt dịch, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lựa chọn phác đồ nền điều trị cho năm bệnh nhân này bằng thuốc kháng sinh và hạ sốt thông thường.

Vừa điều trị, vừa nghiên cứu, TS, BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đầu tháng 2, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Y tế chỉ định cho bệnh viện nghiên cứu phác đồ thuốc kháng virus - thuốc bậc 2 của HIV. Lúc bấy giờ, thuốc này là công cụ duy nhất để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Thế nhưng, khó khăn thật sự ập đến vào giai đoạn 2 của dịch khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội ngày 6-3, mang theo một biến thế của SARS-CoV-2 trở về từ châu Âu.

Họ đã trải qua "cuộc chiến" hơn 110 ngày đêm như thế ảnh 1

Những ca bệnh nặng được các bác sĩ dốc sức điều trị.

Các bác sĩ bước vào cuộc chiến thật sự với tốc độ sàng lọc hàng trăm người mỗi ngày. Bệnh viện chuyển sang giai đoạn thời chiến, từng khoa, phòng bố trí các khu vực khác nhau để bảo đảm cho công tác điều trị.

Cuộc chiến thứ 2 giống như một cơn bão, bệnh nhân đến dồn dập, bệnh nặng diễn biến bất thường, không ít bệnh nhân có tổn thương tương đối lớn. Các bác sĩ đã trải qua những giờ phút kịch tính, căng thẳng trước những ca bệnh đặc biệt như bệnh nhân Alex, người Anh từ Lào Cai chuyển về có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp; Bệnh nhân 19 (bác của BN17); bệnh nhân Dixong John Garth - người Anh bị ung thư máu 10 năm từ Quảng Ninh chuyển lên; Bệnh nhân 161 cao tuổi nhất Việt Nam có kèm bệnh lý xuất huyết não, liệt nửa người...

“Trong giai đoạn 2 có rất nhiều bệnh nhân nặng với 70-80% ca bệnh có tổn thương tại phổi, nên chúng tôi đều chẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống”, BS Thạch nói.

Họ đã trải qua "cuộc chiến" hơn 110 ngày đêm như thế ảnh 2

TS, BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc bệnh viện chia sẻ về hành trình hơn 100 ngày đội ngũ y, bác sĩ trực chiến, cứu chữa cho người bệnh.

Ca bệnh khiến cả ê-kíp phải cân não nhiều nhất là ca 19. Ngày 7-3, bệnh nhân vào nhập viện, nhưng chín ngày sau (16-3) bệnh nhân đột ngột tổn thương 80% phổi, gần như trắng hết hai phổi. Bệnh nhân khó thở, sốt cao, diễn biến nặng tăng lên, điều chỉnh chế độ hô hấp nhưng không ổn được. Bệnh nhân được cho thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16-3. Lúc này, bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn, suy thận, phải lọc máu. Hai ngày sau, bệnh nhân diễn biến nặng lên nhiều, tình trạng hô hấp rất khó khăn, làm cho tổn thương phổi lớn, lúc đó bệnh viện quyết định sử dụng hệ thống điều trị bằng ECMO – tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể đến ngày 4-4.

Nhưng chỉ ba ngày sau cai ECMO, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn. Khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn, tám nhân viên y tế đã thay phiên nhau ép tim, kéo dài tới 40 phút để cứu sống trái tim tưởng chừng đã ngừng đập của bệnh nhân. BS Đồng Sĩ Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực chia sẻ “Nếu bệnh nhân ngưng tuần hoàn mà phát hiện muộn thì kể cả sống được cũng sẽ để lại di chứng não. Rất may, bệnh nhân 19 đã được cấp cứu kịp thời và không có di chứng. Đến bây giờ bệnh nhân tỉnh táo, ổn định và chuẩn bị được ra viện là điều không gì tuyệt vời hơn”.

Họ đã trải qua "cuộc chiến" hơn 110 ngày đêm như thế ảnh 3

Bệnh nhân 19 được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa vượt qua ba lần ngừng tim, bình phục và sắp được công bố khỏi bệnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng rất tự hào khi điều trị thành công cho hai bệnh nhân người Anh sang Việt Nam du lịch. Khi mắc Covid-19 và rơi vào tình trạng nguy kịch, phải dùng tới máy thở, họ đã nghĩ mình không còn cơ hội sống sót. Nhưng bằng tất cả nỗ lực điều trị, tất cả đã bình phục xuất viện...

Những chiến sĩ quả cảm nơi tuyến đầu

Những ngày tháng 3, hai bác sĩ đầu tiên của bệnh viện được xác nhận đã mắc bệnh Covid-19 sau khi thực hiện kỹ thuật đặt nội khí quản cho ca đầu tiên suy hô hấp - bệnh nhân Alex.

BS Thạch tâm sự, khi đó điều kiện của bệnh viện chưa có camera đặt nội khí quản, mà đặt trực tiếp thông thường nên trong quá trình đó hai bác sĩ đã bị lây nhiễm. Cả bệnh viện lúc đó hoang mang vì ngoài nỗi lo sợ lây lan trong bệnh viện thì thực tế, trên thế giới nhân viên y tế nhiễm Covid-19 và hy sinh rất nhiều.

"Bệnh viện bước vào giai đoạn cực kỳ căng thẳng như bước vào cuộc chiến. Chúng tôi yêu cầu điểm danh quân số cả ngày lẫn đêm, huy động tất cả cán bộ nhân viên y tế ở lại bệnh viện để cách ly, phòng ngừa, giãn cách, ăn uống tại chỗ. Mục tiêu đặt ra là bằng mọi cách không để lây lan dịch trong bệnh viện, Ban Giám đốc đã có phương án chia từng khu vực để cách ly và hỗ trợ cho nhau", BS Thạch chia sẻ.

Họ đã trải qua "cuộc chiến" hơn 110 ngày đêm như thế ảnh 4

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có hơn 110 ngày chiến đấu kỳ tích với virus nguy hiểm SARS-CoV-2.

Trước diễn biến của bệnh nhân Covid-19 rất bất thường, nhanh, gây tổn thương rất nhiều cơ quan như: não, thận, hệ tiêu hóa, tim, rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể gây ngừng tim nên yêu cầu đặt ra gắt gao là kíp trực phải làm việc 24/24, không được lơ là. Bệnh viện huy động khoảng 350 người, chia làm ba vòng vừa điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, vừa làm công tác hậu cần... Riêng bệnh nhân nặng, có 30 bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên theo dõi sát sao cùng với đội ngũ chuyên gia về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng. Mỗi ca trực kéo dài 12 giờ và ê-kíp trực chỉ có 30 phút để ăn uống, vệ sinh.

Hơn ba tháng qua, các bác sĩ, nhân viên y tế, lái xe, bảo vệ... đều cách ly tại bệnh viện. Nhiều người phải đưa con về quê ở liền ba tháng, nhiều đôi vợ chồng cùng làm ở đây nhưng phải sống cách ly riêng để thực hiện nhiệm vụ ở mỗi vòng điều trị. Gần đây khi bệnh nhân đã bình phục nhiều, các y, bác sĩ được luân phiên về nhà để tái tạo sức lao động, sẵn sàng cho bất kỳ cuộc chiến cam go nào trước mắt.

Đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã và đang điều trị cho 157 trường hợp, có 12 bệnh nhân nặng, trong đó có năm bệnh nhân rất nặng phải thở máy, một bệnh nhân điều trị bằng ECMO. Chỉ còn 20 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện, đã có 137 ca được điều trị khỏi là minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng, chung sức vì sự an toàn người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ.

Nhìn lại hành trình ba tháng qua, TS, BS Phạm Ngọc Thách xúc động tâm sự “Tôi rất cảm ơn anh em đã chung lưng và chia sẻ với Ban Giám đốc. Ở nước ngoài, dịch gây vỡ trận trong các bệnh viện, rất nhiều nhân viên y tế hy sinh. Ở Việt Nam, trong điều kiện như hiện nay, chúng tôi đã giữ được ổn định là điều rất hạnh phúc”.

Họ đã trải qua "cuộc chiến" hơn 110 ngày đêm như thế ảnh 5

Bệnh nhân được công bố điều trị khỏi là hạnh phúc lớn của đội ngũ y, bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

BS Đồng Sĩ Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

“Thời điểm chúng tôi lo lắng nhất là khi có đồng nghiệp nhiễm bệnh. Chúng tôi có lo lắng về nguy cơ mắc bệnh. Nhưng chúng tôi đã tuân thủ tốt các biện pháp phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm. Chúng tôi luôn xác định tinh thần, nhiệm vụ là đơn vị điều trị bệnh nhân dương tính. Do đó, giai đoạn này khi bệnh nhân đã giảm đi, chúng tôi cũng nghĩ tạm thời nghỉ ngơi được lúc nào hay lúc đó. Bất kể khi nào nhận lệnh, chúng tôi lại lại vào vị trí”.