Gỡ khó để đạt mục tiêu y tế - dân số

Sau ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình đang gặp một số khó khăn, thách thức cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ cả phía Trung ương và các địa phương.

Thường xuyên khám sàng lọc sẽ giúp người dân chủ động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch... Ảnh: ANH SƠN
Thường xuyên khám sàng lọc sẽ giúp người dân chủ động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch... Ảnh: ANH SƠN

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau ba năm triển khai, Ban quản lý Chương trình phía Trung ương đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực; các tỉnh, thành phố cũng chủ động lập kế hoạch, lồng ghép và tổ chức điều hành thực hiện nội dung trên địa bàn đạt kết quả tốt. Đáng chú ý, các nội dung của chương trình cũng là những giải pháp cụ thể hóa của Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và về công tác dân số trong tình hình mới. Đây được xem là bản lề để công tác hoạch định chính sách của ngành y tế có những bước phát triển mới.

Mạng lưới y tế nước ta được phát triển rộng khắp, các bệnh, dịch mới nổi được kiểm soát, không có dịch lớn xảy ra; tiếp tục giảm số mắc, số chết của nhiều bệnh dịch nguy hiểm; bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt hơn 95% cho trẻ em dưới một tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm từ 17,5% (năm 2010) xuống còn 13% (năm 2018); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi đã giảm từ 29,3% (năm 2010) xuống còn 23,3% (năm 2018)… Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường), y tế học đường ngày càng được chú trọng ngay từ cộng đồng. Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì ở mức dưới 0,3% và giảm số người nhiễm mới... Nhờ đó, tuổi thọ người dân được nâng cao, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, thực tế triển khai, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới. Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu... diễn ra nhanh đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, trở thành những lực cản lớn cho việc triển khai những chương trình bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân. Đáng lo ngại, ô nhiễm môi trường, các yếu tố tác động xấu về hành vi lối sống… đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong do bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm. Thống kê cho thấy, các bệnh không lây nhiễm đã chiếm 73% số ca tử vong hằng năm. Thế nhưng tỷ lệ quản lý các bệnh này tại cộng đồng chưa cao. Trong khi đó, một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng… vẫn còn lưu hành ở mức cao; An toàn thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc cần phải tập trung giải quyết.

Trong công tác dân số, những khó khăn thách thức như: tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao; tỷ suất sinh vẫn còn nguy cơ tăng ở một số vùng; sự khác biệt giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân cư về các chỉ số sức khỏe sinh sản còn lớn và có xu hướng gia tăng. Tỷ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở một số khu vực miền núi cao gấp ba, bốn lần so với khu vực đồng bằng, đô thị và gấp gần hai lần so với mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn còn cao. Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc trước và trong sinh bảo đảm chất lượng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng khó khăn vẫn còn hạn chế…

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, một khó khăn rất lớn đối với công tác Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số trong thời gian qua cũng như thời gian tới là việc phân bổ kinh phí chưa hợp lý, chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu thực tế. Ngoài ra, nguồn lực để thực hiện chương trình này chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước trong khi chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm tới các hoạt động này, nhất là chưa bố trí kinh phí địa phương thực hiện chương trình.

Để Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện lồng ghép với các chương trình sức khỏe và đề án tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường lồng ghép các hoạt động tập huấn, đào tạo, kiểm tra giám sát chuyên môn; đẩy mạnh hoạt động truyền thông giúp giảm các nguy cơ, rèn luyện nâng cao thể lực, nâng cao ý thức tự quản lý sức khỏe, phát hiện sớm và quản lý các bệnh lý mãn tính. Thống nhất lại các đầu mối triển khai chương trình tại tuyến tỉnh, thành phố cũng như tuyến huyện. Tái cấu trúc phân bổ kinh phí theo hướng ưu tiên phòng, chống và tăng cường quản lý sức khỏe, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng dân cư. Đồng thời tăng cường sử dụng ngân sách địa phương cho các hoạt động của chương trình và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu tại địa phương.