Gỡ khó cho hoạt động y tế tuyến cơ sở ở Sóc Trăng

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở y tế tuyến huyện nhằm phát huy tính chủ động khai thác các nguồn thu, giảm áp lực chi của ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện do việc áp dụng cơ chế, chính sách ở địa phương chưa phù hợp đã gây ra nhiều khó khăn bất cập, cần sớm được tháo gỡ.

Người dân xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã.
Người dân xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã.

Tỉnh Sóc Trăng có 11 trung tâm y tế (TTYT) và 112 trạm y tế cấp xã. Từ ngày 1-1-2018, tỉnh sáp nhập bệnh viên đa khoa tuyến huyện vào TTYT huyện thành TTYT đa chức năng là khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Ðến nay, 11 TTYT của tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, nguồn thu từ khối điều trị không tăng và đơn vị này còn phải gánh thêm tiền lương cho khối phòng bệnh, gây mất cân đối thu - chi kéo dài.

Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2018, trong lúc chờ thẩm định và phê duyệt phương án tự chủ cho các TTYT giai đoạn 2018 - 2020, Sở Y tế tạm phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương cho các TTYT tuyến huyện theo Nghị quyết 76/2016/NQ của HÐND tỉnh. Nguồn thu của các TTYT chủ yếu từ nguồn viện phí, sau khi trừ chi phí, còn lại phải chi cả quỹ tiền lương và hoạt động của khối phòng bệnh. Do thu không đủ chi, các TTYT phải sử dụng ngân sách tạm cấp để chi cho quỹ tiền lương và hoạt động của khối phòng bệnh. Tuy nhiên, việc chi như vậy Sở Tài chính không chấp nhận. Các đơn vị buộc phải hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã chi cho khối phòng bệnh. Ðiều đáng nói, các cán bộ của TTYT phải trừ dần vào lương để hoàn lại ngân sách. Sau ba năm thực hiện cơ chế tự chủ, có chín trong số 11 TTYT mất cân đối về tài chính. Tại các đơn vị này, ngoài tiền lương, phần lớn các y sĩ, bác sĩ không có thu nhập tăng thêm hoặc tiền khen thưởng.

TTYT huyện Kế Sách là đơn vị mất cân đối cao nhất. Mới đây, kết luận của Thanh tra tỉnh Sóc Trăng về thanh tra đột xuất việc quản lý, điều hành của Sở Y tế đối với TTYT huyện Kế Sách trong thực hiện chính sách, pháp luật về tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng viên chức, người lao động từ năm 2018 đến 2020 cho biết: “Giai đoạn trước khi sáp nhập (năm 2017), tình hình tài chính của hai đơn vị là Bệnh viện đa khoa và TTYT huyện Kế Sách được thực hiện tương đối ổn định. Ðến giai đoạn sáp nhập (năm 2018, 2019), tình hình tài chính mất cân đối vì thực hiện cơ chế tự chủ. Năm 2018, mất cân đối hơn 2,7 tỷ đồng; năm 2019, mất cân đối hơn 5,9 tỷ đồng. Do đó, đơn vị sử dụng số dự toán nguồn kinh phí ngân sách tạm cấp đầu năm 2018, mượn nguồn cải cách tiền lương năm 2019 để bù đắp thiếu hụt”.

TTYT huyện Mỹ Xuyên được thành lập đầu năm 2018, trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện đa khoa huyện nhằm thực hiện tinh gọn, giảm đầu mối, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau ba năm hoạt động, đơn vị đã sắp xếp nhân sự phù hợp chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm công tác chuyên môn, chủ động phòng, chống dịch bệnh và không để dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên, khi kết thúc giai đoạn thực hiện tự chủ (từ năm 2018 đến 2020), khoản kinh phí trả lương cho khối phòng bệnh không được thanh quyết toán, cho nên các cán bộ, nhân viên y tế của đơn vị cũng phải hoàn trả ngân sách như các TTYT khác. Bác sĩ Võ Thành Danh, Giám đốc TTYT huyện Mỹ Xuyên cho biết, do không có nguồn kinh phí nào khác, hầu hết các y sĩ, bác sĩ phải lấy tiền lương để trả lại, trong khi các khoản thu nhập khác lại không có. Ðể tháo gỡ, đơn vị cố gắng phát huy hiệu quả trang thiết bị được cấp, phối hợp đơn vị Bảo hiểm Xã hội huyện tăng cường tổ chức khám, chữa bệnh theo Luật Bảo hiểm y tế để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, đơn vị đã có văn bản kiến nghị Sở Y tế cấp bù ngân sách khoản tiền lương cho khối phòng bệnh.

Tại các trạm y tế xã trong tỉnh Sóc Trăng khi thực hiện tự chủ về tài chính trong năm 2018 cũng xảy ra tình trạng mất cân đối thu - chi. Theo thống kê của Sở Y tế Sóc Trăng, toàn tỉnh có đến 70% số trạm y tế bị mất cân đối về tài chính do thu không đủ chi. Từ năm 2018  đến 2020, trạm y tế xã trong toàn tỉnh không chi thu nhập tăng thêm hay khen thưởng. Thậm chí, nhiều trạm y tế cấp xã còn thiếu kinh phí hoạt động. Việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ đối với trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn, cho nên từ năm 2019, các trạm y tế xã ở Sóc Trăng đã tạm dừng việc thực hiện tự chủ về tài chính. Khi dừng tự chủ, hầu như các nhân viên y tế xã không có thu nhập tăng thêm. Thậm chí trạm y tế còn phải trích quỹ lương để trả cho các cộng tác viên thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Phó trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn An Lạc, thôn Dương Quang Lai cho biết, hiện nay thu nhập của các y sĩ, bác sĩ của đơn vị chỉ có lương, không có phụ cấp. Thực hiện hoàn tiền ngân sách, các y sĩ, bác sĩ của trạm y tế phải trích lương hằng tháng để trả đến ba đợt mới xong. Do khó khăn kéo dài, một y sĩ có hơn 20 năm gắn bó với nghề đã xin nghỉ việc và một bác sĩ cũng vừa nộp đơn xin về hưu sớm. Trước tình trạng này, các y sĩ, bác sĩ của trạm rất mong được tỉnh xem xét hỗ trợ.

Trước tình hình khó khăn của tuyến y tế cơ sở, mới đây, Sở Y tế Sóc Trăng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất chủ trương cấp kinh phí phòng bệnh đối với y tế tuyến huyện. Cụ thể, đề xuất xem xét cấp quỹ tiền lương cho khối phòng bệnh tuyến huyện, bổ sung kinh phí không thực hiện tự chủ cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Việc thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở y tế là xu thế tất yếu đã được Ðảng, Nhà nước cụ thể hóa trong nhiều chủ trương, chính sách. Qua đó giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị y tế công lập đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn. Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong cân đối tài chính, công tác quản lý và tổ chức hoạt động của hệ thống TTYT cấp huyện, bảo đảm vừa thực hiện tốt cơ chế tự chủ, vừa duy trì hoạt động TTYT đa chức năng và tạo sự ổn định cho cán bộ y tế yên tâm công tác.