Giảm tải cho y tế cơ sở trong phòng, chống dịch

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố phía bắc tăng đột biến, trong đó phần lớn là các ca có triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà, đã gây áp lực lớn cho hệ thống y tế cơ sở. Trước tình hình này, các địa phương đã huy động thêm lực lượng hỗ trợ cán bộ y tế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý, chăm sóc F0 kịp thời và hiệu quả hơn.

Kiểm soát dịch Covid-19 tại thị trấn Yên Bình (tỉnh Yên Bái). (Ảnh Thanh Sơn)
Kiểm soát dịch Covid-19 tại thị trấn Yên Bình (tỉnh Yên Bái). (Ảnh Thanh Sơn)

Trạm y tế xã, phường không chỉ là nơi trực tiếp tiếp nhận, hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ tại nhà, mà còn là đầu mối cấp các giấy tờ, thủ tục liên quan cho người bệnh.

Dấu hiệu quá tải

Từ ngày 14/2 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao đột biến, gần đây có gần 14 nghìn ca mắc mới/ngày. Trong đó 98% số ca mắc được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà, chiếm khoảng 50% tổng số F0 điều trị, theo dõi tại nhà của cả nước. Tại Trạm y tế phường Mai Động (quận Hoàng Mai) ngày đầu tháng 3, chúng tôi thấy rất nhiều người dân đến làm các thủ tục, giấy tờ. Các nhân viên y tế vừa giải thích và hướng dẫn cho người dân, vừa tất bật xử lý hàng chồng tài liệu, giấy tờ, trong khi điện thoại liên tục đổ chuông. Đại diện Trạm y tế này cho biết, những ngày trước, chiều nào cũng có khoảng 200 người đến xếp hàng để xét nghiệm Covid-19.

Hiện chỉ còn người tới làm xác nhận tình trạng khỏi bệnh, còn việc xét nghiệm Covid-19 đã hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà, quay clip và gửi qua Zalo cho cán bộ y tế phường để được công nhận kết quả. Tuy nhiên, áp lực công việc vẫn rất lớn khi không ít cán bộ, nhân viên y tế cũng bị lây nhiễm Covid-19. Trong khi, mỗi ngày ở phường có thêm hàng trăm ca mắc mới và cũng chừng đó người khỏi bệnh cho nên riêng việc làm các thủ tục nhập thông tin, cấp giấy xác nhận khỏi bệnh, trả quyết định cách ly và hoàn thành cách ly... đã rất vất vả.

Chưa kể, cán bộ, nhân viên y tế phường còn phải tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, cấp phát thuốc, theo dõi tình trạng và kịp thời xử lý trường hợp chuyển nặng, triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng... Có những trạm, một số nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc thể nhẹ vẫn phải tiếp tục làm việc. Tại Trạm y tế phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), năm trong tổng số chín nhân viên y tế đã nhiễm Covid-19, được bố trí làm việc riêng một tầng để cách ly với các nhân viên còn lại, đồng thời tiếp tục trực điện thoại, nhập dữ liệu, quản lý F0 trên hệ thống...

Ngày 1/3, số ca mắc mới tại Hải Phòng lên hơn 2.300 ca. Trước đó, giữa tháng 2, khi số ca nhiễm mới tăng đến 1.500 ca/ngày, y tế cơ sở ở nhiều quận đã xuất hiện tình trạng quá tải. Thành phố có 237 trạm y tế lưu động với hơn 1.170 nhân viên làm nhiệm vụ thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng. Bình quân mỗi trạm y tế lưu động có khả năng quản lý khoảng 100 bệnh nhân điều trị tại nhà, nhưng 35 trạm y tế lưu động tại các quận Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân phải quản lý hơn 300 ca F0 mỗi trạm. Tình trạng này khiến nhiều người dân khi mắc Covid-19 không thể gọi điện thoại hoặc liên hệ tới trạm y tế phường để được hướng dẫn, chăm sóc.

Tình trạng quá tải cũng xảy ra ở hệ thống y tế cơ sở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc. Y sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trạm trưởng Y tế xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, xã có 113 ca mắc Covid-19, trong đó có 70 người thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà. Từ mồng 7 Tết đến nay, anh và các cán bộ của trạm y tế chưa có một ngày nghỉ. Lâm Bình là huyện vùng cao và xa nhất của tỉnh, còn Xuân Lập là xã xa nhất của huyện, việc đi lại rất khó khăn, vì vậy việc truy vết, lấy mẫu thật sự nhọc nhằn, nhiều hôm xuống thôn lấy mẫu về đến trạm đã 1 giờ sáng.

Xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) nằm bên hồ Thác Bà, có hơn 360 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Tày sinh sống, do số lao động địa phương từ các nhà máy ở tỉnh Tuyên Quang trở về ăn Tết nhiễm Covid-19, mấy ngày gần đây dịch lây lan rộng cả xã. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Lĩnh cho biết, nhân viên y tế xã nhiều ngày nay không có ngày nghỉ. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 xã tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện 5K, khai báo y tế trung thực, nếu nhiễm bệnh thì cách ly tại nhà đủ bảy ngày, thực hiện đúng các chỉ dẫn y tế, đồng thời hướng dẫn người bệnh sử dụng một số bài thuốc nam để làm giảm triệu chứng cho người điều trị F0 tại nhà.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý F0

Các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở và giúp cán bộ y tế tập trung công việc chuyên môn. Thành phố Hải Phòng thí điểm thành lập các Tổ chăm sóc y tế cộng đồng và tăng cường lực lượng cho các trạm y tế lưu động tại các địa bàn có số F0 tăng cao. Tại các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, mỗi quận hình thành từ năm đến bảy Tổ chăm sóc y tế cộng đồng và bắt tay ngay vào hỗ trợ chăm sóc y tế tại nhà cho bệnh nhân Covid-19.

Cùng với đó, thành phố huy động sinh viên ngành y, dược các trường đại học trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch. Đợt đầu, 600 sinh viên các trường đại học: Y dược Hải Phòng, Hải Phòng và cao đẳng Y tế Hải Phòng được huy động để hỗ trợ các trạm y tế lưu động tại các địa phương có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Em Nguyễn Thị Kim Khánh, sinh viên lớp YDK.K38F (Trường đại học Y dược Hải Phòng) cho biết, nhờ kinh nghiệm trong đợt tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh trước đó, cho nên em đã xung phong tham gia ngay chống dịch đợt này. Một tuần sau đó, 972 sinh viên các trường nêu trên tiếp tục được huy động tăng cường.

Các cơ sở y tế đảm nhiệm công tác điều trị tại tầng 2, tầng 3 cũng được hỗ trợ thêm nhân lực bằng việc điều phối, phân công các y sĩ, bác sĩ từ các khoa, phòng khác bổ sung cho bộ phận điều trị bệnh nhân Covid-19; tạm đưa nhân lực từ các bệnh viện khác bổ sung cho các khoa, phòng này bảo đảm hoạt động liên tục. Đồng thời, ngành y tế cũng sẵn sàng phương án lập 500 trạm y tế lưu động, cùng hàng trăm giường bệnh khi có tình huống số ca F0 hoặc số bệnh nhân chuyển nặng tăng cao.

Trước những bức xúc của người dân Thủ đô trong những ngày qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các xã, phường phải ứng dụng tối đa công nghệ trong quản lý F0 để giảm tải công việc cho cán bộ y tế cơ sở. Các công việc liên quan thủ tục xác nhận mắc Covid-19, khỏi bệnh, hết thời gian cách ly... được giao cho các lực lượng đoàn thể hướng dẫn người dân thực hiện khai báo trực tuyến để hạn chế việc phải đi lại, xếp hàng chờ đợi.

Thí dụ như tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên), người dân có thể tự test tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì gọi điện thoại thông báo cho tổ trưởng dân phố để được cấp mã QR, tự khai báo trên hệ thống quản lý F0 của Sở Y tế Hà Nội mỗi ngày hai lần để được theo dõi sức khỏe. Sau khi điều trị đủ ngày, các F0 tự test nhanh và quay clip gửi Tổ chăm sóc F0 tại nhà của phường để nhận quyết định kết thúc điều trị bằng bản PDF gửi qua mail hoặc Zalo.

Các thành viên Tổ chăm sóc F0 tại nhà của phường được phân công làm nhiệm vụ theo dõi và làm giấy tờ kết thúc điều trị cho các F0 theo từng tổ dân phố. Phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) sử dụng phần mềm công nghệ thông qua Google Form để tạo đường link khai báo cho công dân khi nhiễm Covid-19, thay cho việc đến trực tiếp trạm y tế hoặc gọi điện thoại qua đường dây nóng. Sau khi khai báo, thông tin được nhân viên trạm y tế tiếp nhận và liên lạc lại để hỗ trợ người bệnh, giúp cho việc quản lý F0 hiệu quả, nhanh chóng hơn. Quận Hoàng Mai, điểm nóng về dịch lần này, đã tăng cường 150 giáo viên mầm non hỗ trợ việc tiếp nhận thông tin ở các địa bàn đông ca mắc.

Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Lê Thị Hồng Vân cho biết, ngoài việc phát huy hiệu quả của 1.634 tổ Covid-19 cộng đồng, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai sử dụng phần mềm “Hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà phục vụ công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ” để kịp thời nắm bắt diễn biến của các bệnh nhân đang cách ly và theo dõi tại nhà, chuyển viện kịp thời khi trở nặng.

Bên cạnh đó, do đặc thù vùng núi, vùng sâu, vùng xa, không có sẵn xe cứu thương chuyên dụng như thành phố, ngành y tế Yên Bái đã thành lập 88 đội vận chuyển nhanh ở vùng đặc biệt khó khăn, thành lập 90 trạm y tế lưu động, chủ động ứng phó diễn biến của dịch bệnh. Tỉnh Tuyên Quang yêu cầu lãnh đạo các ngành, các địa phương tăng cường kiểm soát dịch, triển khai quyết liệt tiêm vắc-xin cho người dân, không để dịch diễn biến phức tạp; hạn chế số ca chuyển nặng, tử vong.