Giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở

Trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ) đang được coi là mô hình phù hợp cho việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của người dân tại tuyến cơ sở. Mô hình này cũng góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội, đồng thời giúp cải thiện trình độ, thu nhập của cán bộ y tế đang công tác tại các trạm y tế.

Người dân khám bệnh tại Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.
Người dân khám bệnh tại Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.

Mới 8 giờ sáng, Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Ðan Phượng, TP Hà Nội) đã có khá nhiều người dân trên địa bàn đến KCB. Ngồi đợi đến lượt vào khám và nhận thuốc về điều trị tại nhà, bà Kim Thị Hoa (81 tuổi) cho biết: Suốt tám năm qua, sau khi phát hiện mắc bệnh đái tháo đường (ÐTÐ) đều đặn hằng tháng tôi phải dành một ngày đi từ sớm lên Bệnh viện huyện Ðan Phượng để lấy thuốc. Tuy nhiên, từ tháng 3-2019 đến nay, khi Trạm Y tế xã Tân Hội triển khai khám, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, tôi không phải nhờ con, cháu đưa lên tận bệnh viện huyện nữa. Trước ngày khám, cấp thuốc định kỳ, trạm y tế đều gửi giấy hẹn và thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã, để tránh những trường hợp người bệnh quên không đi khám và nhận thuốc điều trị. Việc được khám, cấp thuốc điều trị bệnh ÐTÐ tại trạm y tế đã giúp người dân như bà Hoa không phải đi xa, không mất nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi. Ðiều làm người bệnh ở đây hài lòng nữa là sự chu đáo, tận tình của các y, bác sĩ trong việc hướng dẫn, tư vấn thực hiện kiểm soát đường máu ở người cao tuổi, chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với tập luyện thể lực… khi có những triệu chứng bất thường có thể đến trạm y tế để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Trần Thị Mai Hương, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội chia sẻ: Tân Hội có hơn 20 nghìn nhân khẩu, đông lớn nhất huyện Ðan Phượng. Tháng 7-2018, Tân Hội được chọn là một trong 26 trạm y tế trong cả nước tham gia xây dựng mô hình trạm y tế điểm của Bộ Y tế. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện đã đầu tư nguồn kinh phí gần hai tỷ đồng để cải tạo kết cấu hạ tầng. Trạm cũng đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 74 đầu danh mục trang thiết bị y tế. Ðáng chú ý, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội phân công ba bệnh viện: E, Châm cứu T.Ư, Phụ sản Hà Nội cùng bác sĩ của Trung tâm y tế huyện luân phiên định kỳ về làm việc tại Trạm Y tế xã Tân Hội. Sở Y tế Hà Nội đã phê duyệt gần 1.200 danh mục kỹ thuật, trong đó có hơn 400 danh mục vượt tuyến cho trạm y tế tuyến xã; Danh mục 140 loại thuốc, trong đó có bảy loại thuốc tăng huyết áp và bốn loại thuốc ÐTÐ…

Sau một năm thực hiện mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý YHGÐ, hiện nay trung bình mỗi ngày Trạm Y tế xã Tân Hội tiếp nhận KCB cho từ 50 đến 60 lượt người bệnh, tăng hai đến ba lần so với trước đây. Tính đến hết tháng 10-2019, tổng số lượt khám tại trạm là hơn 13 nghìn, trong đó KCB bằng bảo hiểm y tế là 12 nghìn lượt. Trạm cũng đã triển khai bộ phận KCB y học cổ truyền thực hiện châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt tại trạm. Trạm Y tế xã Tân Hội đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 492 người bệnh tăng huyết áp; 145 người bệnh ÐTÐ… Bác sĩ Trần Thị Mai Hương khẳng định, với việc triển khai trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý YHGÐ là mô hình tốt, phù hợp việc nâng cao chất lượng KCB cho người dân tại cơ sở, với những lợi ích thiết thực như: người dân được khám và điều trị gần nhà, đỡ chi phí đi lại và chi phí chăm sóc cho người bệnh, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm gánh nặng bệnh tật. Ðối với cơ sở y tế, bước đầu đáp ứng được nhu cầu theo dõi sức khỏe hằng tháng, hằng năm của người bệnh, nhất là trình độ của nhân viên y tế của trạm y tế được nâng cao, đời sống nâng lên, với thu nhập tăng gấp ba lần so với năm 2018.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, thực hiện Quyết định của Bộ Y tế về việc phê duyệt danh sách 26 xã, phường, thị trấn tham gia mô hình trạm y tế điểm, từ tháng 7-2018, TP Hà Nội đã triển khai mô hình này tại bốn trạm y tế: Tân Hội (huyện Ðan Phượng), Minh Châu (huyện Ba Vì), Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và Yên Nghĩa (quận Hà Ðông). Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, bốn trạm y tế điểm hoạt động rất hiệu quả, thu hút được các nguồn lực, nâng cao chất lượng KCB ban đầu và đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên cơ sở đó, Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo và đề xuất Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội để nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội đưa ra mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai thực hiện mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố tại 45% số trạm y tế; năm 2020 đạt tỷ lệ 100% số trạm trên địa bàn.

Kết quả đánh giá bước đầu của Bộ Y tế, sau hơn một năm triển khai mô hình trạm y tế điểm tại 26 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên cả nước cho thấy, các trạm y tế đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo danh mục quy định và từng bước hoạt động theo nguyên lý YHGÐ. Nhờ việc triển khai mô hình này, số lượng, chất lượng dịch vụ tăng, thu hút người bệnh đến trạm y tế, số lượt khám, chữa bệnh tăng từ hai đến ba lần, nhiều trạm y tế xã đạt từ 30 đến 50 người/ngày, thậm chí có trạm hàng trăm lượt người khám, chữa bệnh/ngày. Với những kết quả bước đầu đạt được, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình điểm tại 29 tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian tới.