Gấp rút lập trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp

Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tỉnh Đồng Nai hiện có số khu công nghiệp nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, bình quân mỗi ngày, Đồng Nai ghi nhận gần 1.000 ca mắc Covid-19 mới, nguồn lây phần lớn liên quan doanh nghiệp đang sản xuất. Do vậy, địa phương đang gấp rút thiết lập trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp, ngăn chặn phát sinh thành ổ dịch lớn.

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động trong khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.
Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động trong khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.

Việc triển khai trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp chưa có tiền lệ. Mặc dù vậy, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang quyết tâm thực hiện bằng được, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Mỗi khu công nghiệp một trạm y tế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, lập trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp là tất yếu trong tình hình hiện nay nhằm thích ứng linh hoạt, chủ động kiểm soát dịch Covid-19. Đồng thời, tránh được tình trạng doanh nghiệp tự ý cho công nhân nhiễm bệnh về địa phương khi xuất hiện ổ dịch lớn như từng xảy ra. Mỗi khu công nghiệp phải thành lập ít nhất một trạm y tế lưu động phục vụ người lao động làm việc tại các công ty sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, sẽ lập thêm trạm y tế để bảo đảm mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ khoảng 500 đến 1.000 F0.

Mỗi trạm y tế lưu động có một trạm trưởng là nhân viên thuộc trung tâm y tế hoặc trạm y tế, còn lại là nhân viên y tế của các công ty trong khu công nghiệp, số lượng từ năm nhân viên y tế hoặc nhiều hơn tùy theo quy mô, số lượng người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp đơn vị kinh doanh hạ tầng chọn một cơ sở phù hợp để bố trí trạm y tế lưu động, như nhà xưởng, ký túc xá công nhân. Nếu khu công nghiệp không chọn được các công trình sẵn có thì có thể làm nhà tạm, nhà di động để trạm y tế hoạt động.

Gấp rút lập trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp -0
Doanh nghiệp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). 

Thống nhất cao với chủ trương triển khai trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp, nhưng đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tại Đồng Nai cũng nêu những vướng mắc cần tháo gỡ. Giám đốc Ban Quản lý dự án khu công nghiệp Tín Nghĩa Vũ Văn Luyến cho biết: Đơn vị đang quản lý bảy khu công nghiệp trên địa bàn. Triển khai trạm y tế lưu động cần được ngành y tế hướng dẫn chi tiết về quy mô, hình thức hoạt động, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện một kiểu như khu cách ly tạm trước đây. Ngoài ra, cần tính toán quy mô trạm y tế lưu động đối với các khu công nghiệp lớn, nhỏ khác nhau.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Nguyễn Thị Hạnh cho rằng: Nên tận dụng cơ sở vật chất khu cách ly tập trung thu dung F0 trong khu công nghiệp để triển khai trạm y tế lưu động. Về lâu dài, cần tìm vị trí khác phù hợp hơn, vì rất khó cho doanh nghiệp hạ tầng nếu vừa có khu cách ly tập trung, vừa có một trạm y tế lưu động trong một khu công nghiệp. Đại diện một số đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cũng băn khoăn về cán bộ y tế của doanh nghiệp hạn chế về chuyên môn, một cán bộ y tế khó bảo đảm được khi bùng dịch trong doanh nghiệp. Quy mô trạm y tế lưu động trong từng khu công nghiệp như thế nào; trang thiết bị, nhân lực ra sao và hoạt động trong thời gian bao lâu… Tất cả những nội dung này cần có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Khó nhưng quyết tâm làm

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Tài, trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp chỉ đáp ứng nhiệm vụ trong một giai đoạn nhất định, cho nên không cần thiết xây dựng cơ sở vật chất kiên cố, mà nên tận dụng cơ sở vật chất hiện có. Trong bối cảnh chưa đủ điều kiện như hiện nay thì làm từng bước. Trạm y tế lưu động trực thuộc trung tâm y tế nhưng hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Về nhân sự, ngoài việc Nhà nước phụ trách công tác đào tạo, huấn luyện chuyên môn, có thể huy động nhân lực y tế từ các công ty, cơ sở y tế tư nhân. Trang thiết bị, máy móc cũng có thể huy động xã hội hóa. Sở Y tế sẽ bổ sung hướng dẫn các trạm y tế lưu động hoạt động theo hình thức xã hội hóa: “Dù nhiều khó khăn, nhưng không thể không lập trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp. Do đó, các đơn vị liên quan nỗ lực để triển khai sớm, đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay”, ông Tài nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh cho rằng, hiện TP Long Khánh là địa phương đầu tiên đã triển khai được trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp. Do vậy, các đơn vị liên quan cùng nhau nỗ lực triển khai nhanh các trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp dựa trên cơ sở vật chất sẵn có để sẵn sàng xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh.

Quá trình thực hiện, đơn vị sẽ phối hợp ngành chức năng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phải quyết tâm làm bằng được. Bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cùng với trạm y tế cơ sở, trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong xử lý dịch bệnh ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan rộng trong khu công nghiệp.

Bên cạnh trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp, Đồng Nai đang tiếp tục thành lập các trạm y tế lưu động tại tất cả các xã, phường trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương thiết lập bằng được trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp để xử lý ngay từ đầu những ca bệnh phát sinh. Ngoài ra, các trạm y tế lưu động này có nhiệm vụ phối hợp thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng dịch, hạn chế đến mức thấp nhất dịch xâm nhập vào khu công nghiệp.