Duy trì tiêm chủng tỷ lệ cao để phòng dịch chủ động

Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 nhưng năm 2020, công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) được các đơn vị, địa phương nỗ lực ở mức rất cao trong triển khai tiêm tám loại vắc-xin cho trẻ dưới một tuổi.

Triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa (Gia Lai).
Triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa (Gia Lai).

GS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Phó Chủ nhiệm Dự án TCMR quốc gia cho biết, trong thời gian cao điểm dịch Covid-19 (tháng 4-2020), tất cả các trạm y tế xã, phường trên toàn quốc phải tạm dừng tổ chức tiêm chủng làm cho tỷ lệ tiêm, uống vắc-xin trong các tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với tiến độ dự kiến. Công tác tiêm chủng tại nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội trong quý II và III. Bên cạnh đó, ảnh hưởng tâm lý e ngại lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch khiến cha mẹ lo ngại, không cho trẻ đi tiêm chủng ngay, rất nhiều trẻ bị chậm lịch tiêm chủng.

Để giảm tới mức thấp nhất tác động của dịch Covid-19, Dự án TCMR đã xây dựng hướng dẫn tổ chức tiêm chủng ngay sau khi giãn cách xã hội, bảo đảm vừa chống lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, vừa phục hồi công tác tiêm chủng trở lại. Từ cuối tháng 6-2020, dự án đã chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm vét các vắc-xin để chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi đạt chỉ tiêu kế hoạch (95%). Với việc hạn chế tập trung đông người trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài hướng dẫn tổ chức các hoạt động tiêm bổ sung, những tháng cuối năm 2020, hàng loạt chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai, như chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi-rubella cho trẻ em từ một đến năm tuổi ở 22 tỉnh, thành phố; uống bổ sung vắc-xin bại liệt (bOPV) cho khoảng một triệu trẻ dưới 5 tuổi tại 25 tỉnh, thành phố; tiêm vắc-xin Td (phòng uốn ván, bạch hầu) cho khoảng một triệu trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, thành phố…

Nhờ nỗ lực triển khai các hoạt động TCMR trong trạng thái bình thường mới, năm 2020 và là năm thứ 20 Việt Nam tiếp tục không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại, bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt. Đây cũng là năm thứ 15 Việt Nam duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Trên phạm vi cả nước không ghi nhận dịch sởi, rubella; số trường hợp mắc sởi giảm mạnh so với năm trước; tiếp tục ghi nhận số mắc rubella thấp, góp phần quan trọng khống chế hội chứng rubella bẩm sinh, căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Trong các tháng đầu năm 2020 ghi nhận số ca mắc và chết do bạch hầu tăng cao, trong đó ổ dịch bạch hầu xảy ra tại bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên và tỉnh Quảng Trị, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tiêm vắc-xin chống dịch (DTP, Td) và tiêm vét vắc-xin 5 trong 1 cho hơn bốn triệu đối tượng ở tất cả các lứa tuổi thuộc bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đến nay đã có hơn 500 nghìn đối tượng được tiêm hai liều vắc-xin Td… Dịch bạch hầu cơ bản được khống chế, không ghi nhận ca mắc mới trong hơn một tháng vừa qua.

Dự án TCMR quốc gia phấn đấu trong năm 2021 duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới một tuổi đạt hơn 95% trên phạm vi cả nước, bảo đảm an toàn tiêm chủng và phòng, chống nhiễm SARS-CoV-2. Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh khó khăn để tăng tỷ lệ tiêm chủng thông qua tăng cường năng lực cán bộ, truyền thông, quản lý đối tượng và tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận dịch vụ TCMR hơn nữa. Bên cạnh đó, hoàn thành triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin IPV cho trẻ em sinh ra từ ngày 1-3-2016 đến 28-2-2018 chưa được tiêm vắc-xin IPV tại 54 tỉnh, thành phố. Tiếp tục rà soát các địa phương nguy cơ cao, nhất là các địa phương chưa được triển khai chiến dịch trong các năm 2018-2020 để tổ chức tiêm chủng bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho trẻ em ở các vùng nguy cơ cao nhằm đạt độ bao phủ tiêm chủng ở mức cao, chủ động không để dịch xảy ra. Dự án cũng đang đề xuất mở rộng triển khai vắc- xin Td cho trẻ 7 tuổi trên quy mô toàn quốc, dần đưa việc triển khai thành hoạt động hằng năm để chủ động tạo miễn dịch với bạch hầu, uốn ván trong nhóm trẻ lớn, người lớn.

Đáng chú ý, qua phân tích tình hình dịch bệnh những năm gần đây cho thấy, nhóm trẻ dưới 6 tuổi là nhóm nguy cơ cao dễ mắc bệnh và gây dịch do còn một số lượng đáng kể trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc-xin. Do vậy, trong năm 2021, dự kiến sẽ triển khai thí điểm kiểm tra tiền sử tiêm chủng trước khi nhập học mẫu giáo, mầm non và tiểu học tại một số tỉnh, thành phố. Đây là bước đi chủ động hơn nữa nhằm giảm số lượng trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi, vừa bảo vệ sức khỏe của trẻ vừa chủ động phòng ngừa trước khi dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, trong năm 2021, dự án TCMR cũng sẽ phối hợp ngành y tế các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cộng đồng về lợi ích của tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch và các hoạt động tiêm chủng bổ sung để người dân chủ động đưa con đi tiêm chủng; phổ biến các kiến thức về theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Khuyến khích các địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao, tình trạng di biến động dân cư phổ biến sử dụng hình thức truyền thông nhóm qua mạng xã hội nhằm tiếp cận, vận động cha mẹ cho con đi tiêm chủng đúng lịch, hướng dẫn an toàn tiêm chủng.