Đổi mới tiếp cận dạy và học trong đào tạo nhân lực y tế

Cải thiện toàn diện chất lượng đào tạo nhân lực y tế là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Trong đó, đổi mới dạy và học dựa trên năng lực và cải thiện hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục là cách tiếp cận phù hợp.

Sinh viên Trường cao đẳng Y Thái Bình thực hành tại phòng mô phỏng.
Sinh viên Trường cao đẳng Y Thái Bình thực hành tại phòng mô phỏng.

Đổi mới đào tạo nhân lực y tế được ngành y tế tập trung triển khai trong thời gian gần đây. Theo đó, việc đổi mới căn bản và toàn diện đào tạo nhân lực y tế ở tất cả các loại hình và trình độ đào tạo bao gồm: đổi mới các chương trình đào tạo nhân lực y tế trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học và chương trình đào tạo cán bộ quản lý và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở. Việc đổi mới chương trình này không chỉ tập trung vào chương trình giảng dạy mà bao gồm toàn bộ các nội dung: Xây dựng chương trình chi tiết đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng tạo ra năng lực thực hành nghề nghiệp và lồng ghép/tích hợp các kiến thức, phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy - học, tăng cường giảng dạy lâm sàng, xây dựng công cụ và phương pháp lượng giá người học theo chuẩn năng lực và chuẩn đầu ra… Cùng với đó là việc xây dựng, đổi mới khung chính sách và thể chế tương quan, tạo hành lang pháp lý thuận tiện để hỗ trợ thực hiện việc đổi mới đào tạo nhân lực y tế.

Nhằm đạt mục tiêu đó, từ năm 2014, Bộ Y tế triển khai Dự án Giáo dục và Ðào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) với sự tham gia của 15 trường đại học và cao đẳng y tế cùng hai viện đào tạo cán bộ quản lý y tế. Theo thiết kế ban đầu, cách tiếp cận của dự án tập trung vào kiểm định để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên thời điểm đó, cách tiếp cận chưa phù hợp điều kiện thực tiễn và nhu cầu nâng cao chất lượng của hệ thống đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam. Theo cách tiếp cận mới, mục tiêu về bảo đảm chất lượng vẫn được giữ nguyên, song để bảo đảm chất lượng ngay từ đầu của quá trình đào tạo, dự án tập trung vào hỗ trợ các trường đổi mới toàn diện các chương trình đào tạo dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp. Ðến nay, việc đổi mới chương trình đào tạo các ngành y khoa, răng hàm mặt và điều dưỡng chuyển từ cách tiếp cận giảng dạy truyền thống, chủ yếu nặng về lý thuyết sang cách tiếp cận dạy học dựa trên năng lực đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện đào tạo nhân lực y tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đã hoàn thành các mô-đun tích hợp, lồng ghép dựa trên năng lực cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ ba và đã chính thức đưa vào giảng dạy chương trình đổi mới từ năm học 2018-2019. Ngoài ra, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án HPET, sự hỗ trợ hiệu quả của chuyên gia Ðại học Y khoa Havard (Mỹ) và các chuyên gia quốc tế, đội ngũ giảng viên các trường đã được nâng cao năng lực về phương pháp giảng dạy dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp; xây dựng chương trình đào tạo lồng ghép, bảo đảm năng lực thực hành nghề nghiệp cho người học sau khi tốt nghiệp và trong quá trình hành nghề… Có thể nói đây là bước ngoặt quan trọng để đưa việc đào tạo nhân lực y tế lên một tầm cao mới về chất lượng.

Cụ thể hóa các nội dung, Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2017/NÐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe. Nghị định ra đời đã xác định vai trò đào tạo của các cơ sở thực hành, vai trò giảng dạy của người làm việc tại cơ sở thực hành, từng bước tạo sự gắn kết hữu cơ giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành. Ðồng thời cũng quy định các yêu cầu trong đào tạo thực hành để các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện. Như vậy, bên cạnh việc đổi mới các ngành đào tạo trình độ đại học và cao đẳng trong lĩnh vực sức khỏe (y khoa, dược, điều dưỡng, răng hàm mặt…), việc đổi mới chương trình đào tạo chuyên khoa cũng như đào tạo liên tục cán bộ y tế sẽ giúp nâng cao năng lực hành nghề cho đội ngũ nhân viên y tế một cách toàn diện và liên tục. Ngoài ra, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành chuẩn năng lực cơ bản bác sĩ đa khoa, cử nhân điều dưỡng, bác sĩ răng hàm mặt, cử nhân hộ sinh, dược sĩ đại học, cử nhân y tế công cộng làm căn cứ để các cơ sở đào tạo nhân lực y tế thực hiện đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực. Ðây là kết quả rất quan trọng trong việc đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế thông qua việc bảo đảm chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tạo ra năng lực thực hành nghề nghiệp, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để cấp chứng chỉ hành nghề, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo… là những biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo, không chỉ mang lại lợi ích trong chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung mà còn nâng cao uy tín và vị thế của nhà trường.

Kết quả bước đầu của việc đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cũng như tăng cường hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân, gia tăng sự hài lòng của người bệnh vào đội ngũ thầy thuốc nói riêng và tăng cường niềm tin của người dân vào chất lượng dịch vụ của ngành y tế nói chung. Với sự thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng ngày càng tích cực, người dân sẽ không cần ra nước ngoài khám, chữa bệnh và sẽ thu hút người nước ngoài tới khám và điều trị bệnh tại Việt Nam.