Dịch bệnh làm gia tăng rối loạn tâm thần

Không chỉ tàn phá về sức khỏe thể chất, Covid-19 cũng để lại những hậu quả rất lớn về sức khỏe tinh thần khi nó làm gia tăng các rối loạn tâm thần đối với nhiều người dân.

Chăm sóc bệnh nhân sau khi được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh TTXVN
Chăm sóc bệnh nhân sau khi được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh TTXVN

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa Bán cấp tính nữ (Bệnh viện Sức khỏe tâm thần T.Ư 1) cho biết, thời gian qua bệnh viện đã nhận tư vấn từ xa, thậm chí tiếp nhận điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch và hậu Covid-19. Cụ thể là các trường hợp bị rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung... Các trường hợp này không được can thiệp ngay, bệnh diễn biến thành các chứng sợ tiếp xúc, rối loạn ám ảnh... ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.

PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, việc mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh của dịch Covid-19 là điều bình thường và dễ hiểu. Thêm vào nỗi sợ nhiễm vi-rút trong dịch Covid-19, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online, thiếu tiếp xúc với anh, chị, em họ hàng, bạn bè… làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhiều người.

Các nghiên cứu cho thấy, dịch Covid-19 đã, đang gây tác động tới một số nhóm dễ bị tổn thương như: nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân. Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong dịch Covid-19 cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ tăng hơn với tỷ lệ tương ứng là 31,4%, 31,9%, 41,1% và 37,9%.

Sức khỏe tâm thần có vai trò rất quan trọng, là một trong ba cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội. Sức khỏe tâm thần ngày càng có tầm quan trọng, Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh thông điệp “Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe”. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, trên toàn cầu cứ bốn người có một người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.

Trong bối cảnh sự gia tăng của rối loạn tâm thần trên thế giới dường như chưa dừng lại, Bộ Y tế đang nỗ lực xây dựng và thực hiện chính sách về sức khỏe tâm thần, không chỉ bảo vệ và thúc đẩy, nâng cao sức khỏe tâm thần của công dân mà còn đáp ứng nhu cầu của những người bị rối loạn tâm thần. Để thực hiện hành động này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang cùng hệ thống các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, Hội Tâm thần học Việt Nam, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam… triển khai các chủ trương, chính sách, hướng dẫn chuyên về công tác khám, chữa bệnh tâm thần như: lồng ghép sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở để người dân được nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm các đối tượng nguy cơ, người có rối loạn tâm thần để chuyển tuyến chẩn đoán, điều trị và trở về tiếp tục quản lý điều trị tại tuyến y tế cơ sở.

Bảo đảm sẵn có và cung cấp các thuốc thiết yếu điều trị rối loạn tâm thần trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả tại các trạm y tế xã, phường và các trung tâm y tế, bệnh viện huyện. Đặc biệt củng cố hệ thống bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tâm thần; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện từ dự phòng đến phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị.

Trong giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 như hiện nay, các đơn vị cần thực hiện có hiệu quả các hướng dẫn chuyên môn đã được chuẩn hóa, như: Hướng dẫn phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm (trong đó có các rối loạn tâm thần); hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19; hướng dẫn sàng lọc, phát hiện người có nguy cơ rối loạn tâm thần trong Covid-19…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, cần kiện toàn mạng lưới và nâng cao năng lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần theo bốn cấp từ trung ương đến địa phương theo phương châm phát triển chuyên sâu cho tuyến trung ương và tuyến tỉnh, phổ cập kiến thức cho tuyến y tế cơ sở để có khả năng lồng ghép hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của tuyến y tế cơ sở. Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành tâm thần, nhất là bác sĩ chuyên khoa tâm thần và một số chuyên khoa sâu như tâm thần trẻ em và thanh, thiếu niên, tâm thần người cao tuổi, pháp y tâm thần,…

Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm giường bệnh cho bệnh nhân nội trú đối với bệnh tâm thần nặng và các cơ sở khám chữa ngoại trú. Áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều trị và phát hiện bệnh cũng như trong nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần…