Đến 2023, 82% người nhiễm HIV sẽ được điều trị thuốc kháng HIV từ BHYT

NDO -

TS Nguyễn Hoàng Long Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, dự kiến đến năm 2023, có khoảng 82% người nhiễm HIV sẽ được điều trị thuốc kháng HIV từ nguồn bảo hiểm y tế. 

Đến 2023, 82% người nhiễm HIV sẽ được điều trị thuốc kháng HIV từ BHYT

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV.

Đây là chính sách quan trọng, cho phép đấu thầu tập trung cấp quốc gia thuốc kháng HIV từ nguồn quỹ BHYT và giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, tiếp cận công bằng trong điều trị thuốc kháng HIV. 

Sau ba năm chuẩn bị và thiết lập hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS bảo đảm điều kiện khám, chữa bệnh qua BHYT, đến tháng 3-2019, những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ quỹ BHYT.

Đến nay, có gần 300 cơ sở điều trị (chiếm 69% số cơ sở) đã cung cấp thuốc ARV qua nguồn BHYT, cung cấp cho 55 nghìn (chiếm hơn 30%) người nhiễm HIV đang điều trị ARV.

Dự kiến đến năm 2023, có khoảng 82% người nhiễm HIV sẽ được điều trị thuốc kháng HIV từ nguồn BHYT. 

Để mở rộng điều trị HIV/AIDS qua BHYT, TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, cần phải tăng độ bảo phủ và duy trì số người nhiễm có thẻ BHYT. Vì vậy việc truyền thông và tư vấn lợi ích của tham gia BHYT của người nhiễm HIV là rất quan trọng.

Đến tháng 6-2020, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đã đạt đến 91%. 52 tỉnh/thành phố đã đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90%. Chín tỉnh thành phố còn lại đạt mức bao phủ từ 80-90%. 

Hiện nay có hơn 40 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương mua thẻ BHYT cho người nhiễm, với khoảng 20.000 thẻ BHYT. Có 28 tỉnh, thành phố đã bố trí ngân sách hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng HIV ước khoảng 16 tỷ đồng. 

Bên cạnh thành công trên, việc triển khai điều trị HIV/AIDS qua BHYT vẫn còn một số khó khăn thách thức trong việc bảo đảm 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT và trong quản lý, cung ứng, thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT.

Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tìm những giải pháp tháo gỡ khi có tình huống phát sinh.