Đề phòng bệnh dại mùa nóng

Theo bác sĩ Châu Hoàng Sơn. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đến nay chưa có loại thuốc đặc hiệu nào chữa được bệnh dại lên cơn. Người bị vật nhiễm virus dại cắn trải qua thời gian ủ bệnh. Thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào số virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn và vị trí vết cắn có gần thần kinh trung ương không. Thời gian ủ bệnh trung bình 2-8 tuần lễ, nhưng cũng có thể chỉ 10 ngày hoặc kéo dài hơn 1 năm, thậm chí lâu hơn. Trong thời gian ủ bệnh, bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt.

Khi bệnh khởi phát có các triệu chứng ngứa tại vết cắn, cảm giác kiến bò và đau. Người bệnh u sầu, bồn chồn, kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Sau đó là trạng thái kích động tâm thần và vận động: nói luôn miệng, muốn chạy trốn, có hành động bạo lực, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, sợ nước, một kích thích tối thiểu cũng có thể gây co thắt thanh quản và đau họng. Trong cơn dại, bệnh nhân phá phách, xé quần áo, chăn màn, đâm đầu vào tường, có khi cắn xé; đồng tử giãn không đều chảy nhiều nước dãi, toát mồ hôi. Bệnh nhân nam đôi khi còn xuất tinh tự nhiên do virus dại gây tổn thương các nhân dưới vỏ não. Sau 4-5 ngày, bệnh nhân có thể tử vong đột ngột do ngạt thở, ngừng tim hoặc bị liệt.

Đối phó

Khi bị chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối, dội nước nhiều lần để sát khuẩn và làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus còn lại ở vết thương. Không nên làm đập nát vết thương để tránh tình trạng virus xâm nhập nhanh hơn. Sau đó phải đến các điểm tiêm phòng dại. Tiêm huyết thanh và vaccin dại là cách duy nhất cấp cứu có hiệu quả cho người bị súc vật nghi dại cắn. Đối với người già, người có thai, người bị bệnh lao, bệnh thận, gan, tim mạch, sốt rét... cần hỏi bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi tiêm và có ý kiến về cách điều trị.

Ông Tôn Thất Phước, Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật TP Hồ Chí Minh lưu ý: tuyệt đối không đi "lấy nọc" hoặc chữa bằng thuốc nam. Đối với súc vật cắn người phải nhốt riêng, không cho tiếp xúc với người và súc vật khác; sau đó phải đưa đến trạm thú y để theo dõi triệu chứng lâm sàng trong vòng 15 ngày. Nếu chó, mèo... đã chết thì gửi não hoặc ướp nước đá nguyên con đến trạm để xét nghiệm bệnh dại.

Vaccin phòng dại có thể gây một số phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm như ngứa, tấy đỏ... nhưng vài ngày sau sẽ hết. Những người có cơ địa dị ứng, bệnh mãn tính hay nghiện rượu có thể bị sốt nhẹ, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt. Tuy nhiên, tỷ lệ người có những phản ứng phụ nói trên rất thấp, khoảng 1-2/10.000. Khi có các triệu chứng trên, bệnh nhân phải báo cho bác sĩ để xử lý kịp thời.

Phát hiện động vật bị dại

Con vật bị dại có những biểu hiện bất thường như ngứa ngáy; hay liếm, bỏ ăn, ăn gạch, đá, cây, sắt...; đứng nằm không yên, chạy rông và cắn bất cứ thứ gì gặp phải. Sau giai đoạn kích thích sẽ xuất hiện giai đoạn bại liệt: tiếng sủa khàn, tru từng cơn dài, thở khò khè, chảy nhiều nước bọt, lưỡi thè ra không cử động được. Dạng thứ 2 là thể "dại câm" vì chó không sủa, có biểu hiện bại liệt sớm, đầu tiên 2 chân sau, kế đến 2 chân trước, sau đó đến liệt phần gáy, đầu, hàm dưới, lưỡi thè ra chảy nhiều nước bọt và chó sẽ chết sau 3 đến 4 ngày.

Các chuyên gia cho biết, người bị cắn cần tiêm phòng dại ngay khi bị con vật lên cơn dại hoặc nghi dại cắn; vết cắn gần thần kinh trung ương như thân, đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục và nhiều vết cắn nguy hiểm; không theo dõi được con vật.

Trong trường hợp vết cắn liếm rất nhẹ và xa thần kinh trung ương đồng thời tại thời điểm cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện nghi ngờ dại thì có thể không tiêm phòng. Tuy nhiên, phải theo dõi con vật 10-15 ngày. Thời gian đó nếu có biểu hiện không bình thường như ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bị bán hoặc bị mổ thịt..., người bị cắn phải đi tiêm phòng dại ngay.

Nếu sau 15 ngày kể từ khi cắn người mà con vật vẫn sống bình thường thì không cần tiêm phòng.

Cũng theo ông Phước, biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dại là tiêm phòng cho gia súc. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển có chủ trương tiêm phòng bắt buộc bệnh dại cho đàn chó trong cả nước và khuyến khích tiêm cho cả mèo (từ tháng tuổi thứ 3 trở lên).