Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với ngành y tế

NDO -

NDĐT - Bộ Y tế đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với ngành y tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự kết hợp của Bigdata, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ y tế thông minh.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với ngành y tế

Đây là thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị Quản lý bệnh viện khu vực châu Á (HMA) thường niên năm 2019 do Việt Nam đăng cai tổ chức, từ ngày 11 đến ngày 12-9. Hội nghị nhằm mục đích giúp các lãnh đạo bệnh viện và các nhà lãnh đạo y tế có tư duy quản lý về chăm sóc sức khỏe, hệ thống thực hành và các giải pháp tốt nhất từ khắp thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch hành động để cải thiện y tế tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm vượt tuyến và quá tải tuyến trên, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai chương trình bệnh viện vệ tinh, nhằm chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh; 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc …

Kết quả bước đầu đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của các bệnh viện tuyến dưới, củng cố lòng tin của người dân với hệ thống y tế cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, an toàn chất lượng ngay tại địa phương mình.

Bên cạnh đó, hiện ngành y tế Việt Nam cũng nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, triển khai chương trình bệnh viện xanh sạch đẹp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử; HIS, PACS, LIS, và Telemedicine.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận, Việt Nam vẫn là một nước thu nhập trung bình, nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế. Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tới đây, ngành y tế Việt Nam sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như nâng cao chất lượng y tế cơ sở; xây dựng hệ thống kiểm định lâm sàng và tiến tới đánh giá chất lượng độc lập, công khai kết quả, gắn với chi trả BHYT. Đặc biệt, Bộ Y tế đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với ngành y tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ thảo luận về những đề tài như các công nghệ mới nhất cho y tế, giảm chi phí, và đưa ra giải pháp an toàn cho bệnh nhân để tăng hiệu quả, cũng như cải thiện kết quả của bệnh nhân. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về y tế 4.0 và đầu tư vào các bệnh viện, y tế trên khắp châu Á.

Hội nghị năm nay bao gồm năm đề án chính, trong đó có một đề án mới dành riêng cho các nhà lãnh đạo cấp cao để thảo luận về tính bền vững của tài chính thông qua đầu tư, tác động của chính sách công tới các dịch vụ bệnh viện, làm thế nào để giải quyết những thách thức trong việc thực hiện dựa trên sự quan tâm về các giá trị có sẵn. Bên cạnh đó, một số đề án khác gồm có an toàn, chất lượng và kiểm định; chăm sóc bệnh nhân; quản lý nhân tài và y tế 4.0.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - đơn vị được Bộ Y tế giao là đầu mối đăng cai tổ chức Hội nghị quản lý Bệnh viện Châu Á HMA 2019 cho biết, đổi mới quản lý chất lượng và đổi mới quản lý bệnh viện là mục tiêu mà các bệnh viện Việt Nam đang hướng tới. Do đó, Hội nghị Quản lý Bệnh viện Châu Á 2019 được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành bệnh viện. Mục tiêu cuối cùng của mọi giải pháp là bệnh viện chất lượng và an toàn người bệnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác giữa sáu bệnh viện Malaysia và Việt Nam. Mục tiêu của Biên bản ghi nhớ lần này là thiết lập sự phối hợp trong điều trị và chăm sóc sức khỏe giữa 3 bệnh viện Việt Nam là Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi và Bệnh viện Tai mũi họng miền Trung với 3 bệnh viện hàng đầu của Malaysia là Trung tâm Y tế Mahkota, Trung tâm Y tế Subang jaya và Trung tâm Y tế Sunway.

Đồng thời, tại Hội nghị cũng diễn ra Giải thưởng Quản lý bệnh viện châu Á nhằm công nhận và vinh danh các bệnh viện ở châu Á - Thái Bình Dương hành nghề tốt nhất.