“Cú huých” tạo sự chuyển đổi số trong ngành y tế

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm nền tảng khám, chữa bệnh từ xa, nhằm hỗ trợ người dân được chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ, cùng các bộ, ngành liên quan đang rất kỳ vọng nền tảng này sẽ thành công để nhân rộng ra quy mô cả nước và sẽ là “cú huých” tạo sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành y tế.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện tư vấn, hội chẩn từ xa cho một ca bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện tư vấn, hội chẩn từ xa cho một ca bệnh.

Tại buổi khai trương trung tâm điều hành, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã kết nối với các điểm cầu: Bệnh viện đa khoa Mường Khương (tỉnh Lào Cai), Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Trạm Y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và điểm cầu ở nhà một người bệnh mạn tính ở Hà Nội. Đây là những người bệnh đã đặt hẹn nhưng vì lo ngại dịch Covid-19 đã không đến khám tại bệnh viện. Cụ thể, tại điểm cầu Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, một người bệnh nữ, 54 tuổi, có tiền sử bệnh van hai lá do thấp, suy tim nhiều năm, điều trị tại bệnh viện tỉnh Lào Cai lần cuối từ tháng 2-2020. Đợt này người bệnh khó thở nhiều, thuốc điều trị đã hết, nhưng đang trong đợt dịch Covid-19 nên chưa thể đi khám. Người bệnh đã được các chuyên gia đầu ngành về tim mạch hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm tim trực tiếp từ xa để có đánh giá trực tiếp tình trạng tim của người bệnh và lên phương án điều trị phù hợp. Còn tại điểm cầu ở huyện Quảng Xương, người bệnh được các bác sĩ khám trực tuyến gồm cả nội soi tai mũi họng, điện tim. Tại điểm cầu Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia hội chẩn trực tuyến đánh giá những trường hợp đột quỵ não… Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tư vấn rất kỹ lưỡng cho người bệnh thông qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại. Với những người bệnh nặng, các chuyên gia đã hội chẩn với bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở để có hướng điều trị phù hợp…

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá: Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn, tuyến huyện, xã sẽ được nâng lên tương đương với tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Hiện nay, chúng ta đang khám, chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Tuy nền tảng mới không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu, hỗ trợ cho cả hệ thống y tế. Chúng ta có thể gắn kết hệ thống y tế thành một khối, xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Lúc đó, người hưởng lợi không chỉ là người bệnh mà còn là những nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng, giúp họ dễ dàng hoạt động nghề nghiệp hơn.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Tập đoàn Viettel phát triển đáp ứng đủ sáu lĩnh vực khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế gồm: tư vấn y tế, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn tư vấn giải phẫu, hội chẩn tư vấn phẫu thuật, đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh. Khi nền tảng số này được triển khai, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng người bệnh, quản lý tình trạng sức khỏe hằng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với người bệnh (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.

Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thì việc người dân hạn chế đến các cơ sở khám, chữa bệnh cũng là một trong những biện pháp hiệu quả. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc ra mắt nền tảng khám, chữa bệnh từ xa không chỉ giải quyết các vấn đề của Covid-19 mà còn là giúp thay đổi cả hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam. Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm lượng người bệnh dồn về tuyến trên giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất. Thực hiện khám, chữa bệnh trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa sẽ là “cú huých” tạo sự chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, quốc gia thông minh.

Tuy nhiên, để hoạt động khám, chữa bệnh từ xa hoạt động hiệu quả và có thể mở rộng, các cơ quan chức năng cần xây dựng những quy định, hướng dẫn về chuyên môn, về hành lang pháp lý và có cơ chế tài chính phù hợp. Mặt khác, cần có những giải pháp thúc đẩy người dân sử dụng công cụ mới này.