Cô giáo và nỗi đau vì căn bệnh thalassemia

NDO -

NDĐT – Không còn đứng trên bục giảng truyền đam mê nghệ thuật cho các em học sinh, chị Nụ gửi đam mê ấy vào những bức tranh thêu lặng lẽ và tỉ mẩn khi nằm viện truyền máu, thải sắt. Căn bệnh tan máu bẩm sinh đã cướp đi của chị quá nhiều cơ hội trong cuộc đời này.

Chị Hoàng Thị Nụ.
Chị Hoàng Thị Nụ.

Tại Trung tâm Tan máu bẩm sinh, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chị Hoàng Thị Nụ (ở xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, Bắc Kạn) là một bệnh nhân khá đặc biệt, hầu hết chỉ có một mình và rất cần mẫn ngồi thêu tranh. Chị bảo, tranh thủ mỗi lúc khỏe mạnh tại viện để có thêm chi phí trang trải việc đi lại từ Bắc Kạn xuống Hà Nội chữa bệnh, bù lại cho những ngày không thể chạy chợ kiếm tiền.

Tại chương trình “Nhớ ơn người thầy” dành cho các thầy cô giáo đang điều trị tại Viện, chị Nụ rơm rớm nước mắt nhớ lại cuộc đời đầy chông gai của mình và nhớ cả những tháng ngày được sống trong không khí ấm áp của tình đồng nghiệp, tình thầy trò.

Chị Nụ kể, chị sinh ra trong một gia đình có bốn người con, nhưng hai anh trai và chị gái chị đã không còn cơ hội sống tiếp từ khi còn trẻ. Chị gái cả mất khi sinh con từ năm 1994, anh trai thứ ba ra đi năm 2012 lúc mới 34 tuổi và đến năm 2014, anh trai thứ hai của chị cũng không còn. Duy nhất còn mình chị là con gái út trong nhà.

“Từ nhỏ, cả bốn chị em chúng tôi đều rất hay mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, bụng to nhưng chỉ nghĩ là anh chị em đều bị bệnh gan”, chị Nụ kể.

Năm 20 tuổi, chị Hoàng Thị Nụ trải qua một đợt sốt cao liên tục, đến ngày thứ ba chị rơi vào trạng thái mê man, không còn biết gì nữa và cũng không lấy được ven để tiêm truyền. Khi đưa con lên xe cấp cứu, bố mẹ chị đã nghĩ không biết chị có còn sống để trở về không. Sau đợt sốt đến chết đi sống lại đó, chị đã được bác sĩ khuyên nên đi Hà Nội khám, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, chị cũng không đi được.

Cô giáo và nỗi đau vì căn bệnh thalassemia ảnh 1

Thêu tranh là một nghề mang lại thu nhập cho chị và cũng là thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật từ nhỏ của cô giáo này.

Cứ thế, như bao người phụ nữ khác, chị tìm được hạnh phúc riêng của mình và mơ ước về ngôi nhà ríu rít tiếng trẻ thơ. Ngoài thời gian đứng trên bục giảng truyền đam mê nghệ thuật về môn vẽ cho các em học sinh, chị chăm chút gia đình của mình. Năm 2012, chị hân hoan chuẩn bị mọi thứ để chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng những tháng đầu của thai kỳ, sức khỏe chị yếu đi rõ rệt. Lúc này, gia đình mới dành dụm tiền để đưa chị xuống Hà Nội kiểm tra. “Bác sĩ bảo tôi bị bệnh tan máu bẩm sinh. Đến lúc ấy, tôi và gia đình mới biết, căn bệnh này đã cướp đi cuộc sống của các anh, chị tôi”, chị Nụ nói.

Với sự hỗ trợ của gia đình và nhà trường, chị được ưu tiên vừa đứng giảng dạy, vừa đi chữa bệnh và sinh con đầu lòng. Nhưng đến lúc chị không thể cố gắng được nữa. Cơ quan cũng khó có thể tạo điều kiện, sắp xếp công việc cho một người cứ một tháng lại đi viện một tuần đến 10 ngày. Chị đành chấp nhận vĩnh viễn rời xa bục giảng và các em học sinh trong nỗi buồn tủi, xót xa vào bốn năm trước. Chị cũng đau đớn khi hạnh phúc riêng tan vỡ vì sự không thể cảm thông của gia đình chồng.

Rời bục giảng, rời khỏi nhà chồng, chỗ nương tựa cuối cùng của hai mẹ con chị là trở về căn nhà của bố mẹ đẻ. Làm gì để nuôi sống bản thân, để có tiền chữa bệnh? Câu hỏi quanh quẩn không làm gục ngã người phụ nữ chịu quá nhiều đau đớn này. Chị Nụ bắt đầu cuộc sống mới bằng việc nuôi gà, trồng rau… Khỏe hơn chút, chị xoay ra bán xôi, bán bánh cuốn, chè bưởi, sữa chua ở một góc nhỏ chợ xã chị. Những ngày nằm viện, chị vẫn miệt mài kiếm sống bằng đôi bàn tay của mình qua những bức tranh thêu tỉ mỉ.

Chị Nụ bảo, cuộc sống với chị đã đủ đầy thăng trầm, vì thế, chị phải lạc quan để sống, để chăm cho bố mẹ già và đứa con của mình. Giờ chị không mong gì hơn là tiếp tục có được sự kiên cường, một sức khỏe thật tốt để cuộc sống những ngày sau này không làm gia đình phải áp lực và lo lắng.