Chuyển phương án "tốc độ" hơn để chiến đấu với giặc Covid-19

NDO -

PGS, TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, chủng virus này lây truyền nhanh hơn rất nhiều so với chủng cũ, cho nên chúng ta phải chuyển thành phương án tốc độ, tốc độ và tốc độ để chiến đấu với kẻ thù.

PGS, TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
PGS, TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Sáng 4-2, PGS, TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Viện tại Hải Dương nhận định chủng virus mới có tốc độ lây lan rất nhanh, tất cả các lực lượng phải nỗ lực thần tốc, thần tốc và thần tốc chạy đua với thời gian để có thể chiến thắng dịch bệnh.

Theo BS Dương, virus ở Đà Nẵng là chủng cũ, khả năng lây nhiễm thấp, chu kỳ lây truyền dài đồng nghĩa với việc khả năng lây từ người nọ sang người kia ít. Ít có trường hợp từ một ca lây sang nhiều ca khác. Còn chủng virus ở Hải Dương được xác định là biến chủng ở Anh. Phía Nhật Bản cũng đã thông báo ca nhiễm bệnh của nữ công nhân N.T.G (Hải Dương) là chủng ở Anh và ngày 1-2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã chính thức thông báo giải được trình tự gien của bệnh nhân liên quan đến Hải Dương là biến chủng của Anh.

"Chủng biến đổi mới của Anh có khả năng bám dính ở tế bào người rất mạnh, phải bám dính vào người thì mới có khả năng lây nhiễm. Hơn nữa tốc độ tăng 70% so với chủng cũ đồng thời chu kỳ lây truyền rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày so với năm ngày như trước đây. Có thể nói chủng virus này lây truyền nhanh hơn rất nhiều so với chủng cũ. 

Chúng ta đang phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm hơn rất nhiều so với trước đây, cho nên chúng ta phải chuyển thành phương án tốc độ, tốc độ và tốc độ để chiến đấu với kẻ thù. Chúng ta phải đi thật nhanh, nếu chúng ta đi chậm hơn virus là thua virus. Vì vậy, tất cả mọi người đều đang làm việc vô cùng khẩn trương thâu đêm suốt sáng chạy đua với thời gian để thắng được chu trình của virus", PGS Trần Như Dương nói. 

Có mặt tại điểm nóng Hải Dương những ngày qua, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung uông nhận định, truy vết là một trong những điều sống còn tại Hải Dương bởi nhờ truy vết mới có thể phát hiện ra và cách ly ngay lập tức.

Trong đó việc truy vết bao gồm: tốc độ truy vết, tốc độ khoanh vùng, tốc độ xét nghiệm để chiến thắng lại tốc độ lây lan của virus. Tại Hải Dương, chúng ta sắp xếp các đội truy vết không kể ngày đêm, ra danh sách chuyển ngay xuống địa phương để tổ chức cách ly bất kể đêm ngày. Các thông tin được chuyển đi là theo tiến độ chứ không phải theo sự hoàn thành, được đến đâu chuyển đi đến đấy.

Với kinh nghiệm triển khai công tác truy vết tại một số điểm nóng từ Sơn Lôi, Đà Nẵng, ông Dương nhấn mạnh, việc Việt Nam có sổ tay hướng dẫn truy vết phát huy hiệu quả trong  việc truy vết tại các địa phương. 

"Có hướng dẫn truy vết một cách bài bản mới có thể truy vết nhanh, triệt để, không được bỏ sót. Nếu truy vết theo cách cổ điển sẽ bỏ sót rất nhiều. Chính kinh nghiệm từ Sơn Lôi, Hạ Lôi đã giúp tôi cho ra đời Sổ tay truy vết. Cuốn sổ tay này được phát hành trên toàn quốc, tập huấn đến từng phường, xã. Nhờ cuốn sổ tay truy vết bài bản ngắn gọn, dễ hiểu, cầm tay chỉ việc nên từ cán bộ xã, thôn cho đến huyện, tỉnh hay Trung ương đều nắm rõ được phải làm gì. Chỉ với năm bước vô cùng dễ hiểu, dễ làm. Nhờ có nó mọi việc truy vết được hoạt động một cách trơn tru, bài bản. Chính vì vậy, giúp chúng ta yên tâm trong việc truy vết", ông Dương cho hay. 

Những kinh nghiệm thực tiễn được tổng kết trong sổ tay truy vết được áp dụng một cách vô cùng hiệu quả cho các đợt chống dịch trên cả nước nói chung và đợt dịch ở Hải Dương nói riêng.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan