Chữa trị ung thư ở Việt Nam: Phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối

NDO -

NDĐT – “Kỹ thuật chữa trị ung thư của các bác sĩ Việt Nam khá tốt, tuy nhiên bệnh thường phát hiện ở giai đoạn khá muộn, khi mà khối ung thư đã ở giai đoạn cuối” - GS Hidemi Goto, Phó Hiệu trưởng Đại học Nagoya kiêm Chủ tịch Khoa Tiêu hóa và Gan, Đại học Nagoya nhận định.

GS Hidemi Goto, Phó Hiệu trưởng Đại học Nagoya kiêm Chủ tịch Khoa Tiêu hóa và Gan, Đại học Nagoya.
GS Hidemi Goto, Phó Hiệu trưởng Đại học Nagoya kiêm Chủ tịch Khoa Tiêu hóa và Gan, Đại học Nagoya.

Trong khuôn khổ Hội thảo Thành tựu Y tế xuất sắc của Nhật Bản, giới thiệu và chia sẻ các giải pháp phòng chống bệnh ung thư do Bộ Y tế Việt Nam, Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Báo Kinh tế Nhật Bản (Báo Nikkei) tổ chức ngày 26-8 tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS Hidemi Goto, Phó Hiệu trưởng Đại học Nagoya kiêm Chủ tịch Khoa Tiêu hóa và Gan, Đại học Nagoya.

Giáo sư Goto hiện là một trong những chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản về chẩn đoán và điều trị ung thư tiêu hóa như dạ dày và ruột bằng kỹ thuật nội soi. Ông hiện đang nghiên cứu phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư ruột non bằng kỹ thuật nội soi ruột non hai quả cầu (double-balloon enteroscopy) và viên nang nội soi (capsule endoscope), được cho là các kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay.

PV: Thưa Giáo sư, là một chuyên gia đầu ngành về chẩn đoán và điều trị ung thư, Giáo sư đánh giá như thế nào về việc chữa trị ung thư tại Việt Nam?

GS Hidemi Goto: Kỹ thuật chữa trị ung thư của các bác sĩ Việt Nam khá tốt, tuy nhiên bệnh thường phát hiện ở giai đoạn khá muộn, khi khối ung thư đã ở giai đoạn cuối. Ở Nhật Bản, hàng năm người dân được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư. Nhờ có các chương trình sàng lọc và phát hiện sớm nên tỷ lệ điều trị phẫu thuật triệt căn ung thư đạt hiệu quả cao. Nhưng ở Việt Nam, người dân không thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thậm chí có người ba, bốn năm không đến bệnh viện (BV) một lần. Đến khi bệnh nặng mới đến BV, như vậy là quá muộn, nhiều trường hợp rất đáng tiếc không thể cứu vãn được.

PV: Theo Giáo sư, vì sao lại như vậy?

GS Hidemi Goto: Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này: bệnh viện quá tải, khám bệnh mất thời gian, bác sĩ ít, người dân không có thói quen khám sức khỏe định kỳ.

Tôi có cơ hội đến các bệnh viện đầu ngành ở Việt Nam và thấy nó rất tốt nhưng chỉ giới hạn trong một số bệnh viện nhất định trên toàn quốc. Tại các BV lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy, các bệnh nhân tập trung quá đông gây ra quá tải, hai đến ba người bệnh nằm chung một giường. Ở Nhật Bản không có tình trạng như vậy. Tôi được biết, phía Việt Nam có kế hoạch nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, hy vọng các bạn sẽ sớm làm được điều đó.

Mình phải làm song song tiến hành theo hai giai đoạn, một mặt thúc đẩy nâng cấp các bệnh lớn và cả các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, mặt khác đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng để người dân khắp nơi trên cả nước đều có thể có cơ hội điều trị ở các bệnh viện gần với họ nhất.

PV: Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư?

GS Hidemi Goto : Trước hết, chúng tôi lập ra một cơ chế thực hiện nghiêm túc, có sự chỉ huy chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới.

Ở Nhật Bản, số lượng bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực nội soi rất nhiều, tính riêng trong nhóm nghiên cứu của tôi đã là 400 người, một khoa của trường ĐH có khoảng 30 nghìn sinh viên. Và chúng tôi nghiên cứu rất nhiều phương pháp để giới thiệu cho các bệnh viện để áp dụng vào thực tế chữa bệnh của họ.

Chúng tôi luôn áp dụng những kỹ thuật mới nhất để phát hiện sớm ung thư, chỉ cần đưa thiết bị nội soi vào cơ thể bệnh nhân, điều chỉnh độ phân giải hoặc màu sắc tại vùng nghi vấn dễ dàng phát hiện ra vùng bị ung thư.

Chữa trị ung thư ở Việt Nam: Phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối ảnh 1

Tập đoàn Olympus Medical Systems giới thiệu máy nội soi hiện đại phát hiện ung thư.

PV: Thưa Giáo sư, trong khuôn khổ 40 năm quan hệ Việt – Nhật, được biết trường ĐH Nagoya (Nhật Bản) có sự hợp tác, giao lưu với trường ĐH Y dược Huế, ông có thể nói rõ hơn về việc hợp tác này?

GS Hidemi Goto: Trước đây, chúng tôi đã mời hai người trong nhóm nghiên cứu của trường ĐH Y dược Huế sang Nhật Bản, thấy các bạn chăm chỉ, chịu khó, chúng tôi quyết định xây dựng một Trung tâm nghiên cứu của ĐH Nagoya trong ĐH Y dược Huế. Hàng năm, vào tháng 7, 9, 10, mỗi tháng chúng tôi sẽ cử chuyên gia của mình sang ĐH Y dược Huế một tuần để làm việc cùng các bác sĩ ở đây. Đồng thời chúng tôi cũng mời các bác sĩ trẻ của ĐH Y dược Huế tu nghiệp, học tập tại trường chúng tôi khóa học sáu tháng.

BS Phạm Văn Thái - Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân (BV Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng trên 100 nghìn người trường hợp mới mắc và 82 nghìn trường hợp tử vong vì các bệnh ung thư, trong đó ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân gây tử vong cao là do người bệnh phát hiện và điều trị muộn.

Chúng tôi cung cấp những công nghệ mà ở ĐH Y dược Huế không có, để có thể điều trị ngắn ngày cho những người bệnh ở đó.

Trong khuôn khổ hội thảo lần này, chương trình hợp tác giữa chúng tôi và ĐH Y dược Huế cũng được chọn là một dự án mang tính quốc gia, từ này trở đi được thực hiện định kỳ hàng năm vào tháng 8, tháng 9.

PV: Ngoài sự hợp tác với ĐH Y dược Huế, trường ĐH của các ông có những hợp tác nào với Bộ Y tế Việt Nam?

GS Hidemi Goto: Chúng tôi có buổi làm việc với Bộ Y tế Việt Nam để lập ra giáo trình để dạy về hệ thống nội tạng với các y, bác sĩ trẻ. Không chỉ thế, chúng tôi có xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi có phương châm hợp tác tổng thể với nhiều cơ quan y tế, bệnh viện tại Việt Nam để đào tạo, nhân rộng đội ngũ y, bác sĩ giỏi liên quan đến lĩnh vực nội tạng.

PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về kết quả hợp tác bước đầu về y tế giữa hai bên Việt – Nhật?

GS Hidemi Goto: Nói về thành quả hợp tác về lĩnh vực này thì chưa có gì cụ thể, hy vọng một đến hai năm nữa sẽ có kết quả để đánh giá cụ thể hơn. Nhưng tôi tin chắc sự hợp tác này sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ, bởi nó đã được lựa chọn là một trong những dự án mang tầm cỡ quốc gia, chắc chắn sẽ được đầu tư nhiều về nguồn vốn và công nghệ.

PV: Xin cám ơn Giáo sư vì cuộc trò chuyện!

Ngày 26-8, Hội thảo Thành tựu Y tế xuất sắc của Nhật Bản – Mối quan hệ hợp tác Nhật Bản – Việt Nam được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Tại đây, nhiều chuyên gia đầu ngành về ung thư cùng đại diện bảy tập đoàn kinh tế, y tế và công nghệ hàng đầu Nhật Bản như: Fujifilm, Hitachi, Konica Minolta Inc., Misubishi Electric Corporation, Nihon Kohden, Olympus Medical Systems, Toshiba Medical Systems… đã tham dự và giới thiệu những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trong điều trị ung thư của Nhật.

Đây là những công nghệ mới và hiện đại nhất của thế giới, đang được một số nước phát triển châu Âu, Mỹ và khu vực châu Á như Singapore, Malaysia... áp dụng. Hiệu quả điều trị của các thiết bị này lên tới 80 - 90% với những ca bệnh nặng và có thể chữa khỏi hoàn toàn với những người ung thư giai đoạn đầu.