Chủ động phòng, chống dịch bệnh bùng phát

Hiện nay số người mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh tay, chân, miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) vẫn gia tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố. Thời gian gần đây, số ca mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính xuất hiện trên cả nước.
Cán bộ y tế phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) hướng dẫn người dân cách phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: KIM OANH
Cán bộ y tế phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) hướng dẫn người dân cách phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: KIM OANH

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, hiện nay các bệnh truyền nhiễm như: SXH, TCM, nhất là sởi tiếp tục ghi nhận số người mắc cao tại nhiều nước trên thế giới. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy: Trong bốn tháng đầu năm 2019, có 170 nước đã ghi nhận các ổ dịch sởi, với khoảng 112 nghìn người mắc. Số người mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, nhất là tại khu vực châu Phi tăng đến 700%, so với cùng kỳ năm 2018. WHO cũng đã chỉ rõ, việc một bộ phận người dân e ngại sử dụng vắc-xin phòng sởi đang là mối đe dọa lớn toàn cầu hiện nay. Điển hình như tại Mỹ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, nhưng những tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch tại 22 trên tổng số 55 bang, với 695 trường hợp mắc bệnh. Nguyên nhân bệnh sởi gia tăng mạnh ở Mỹ là do tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin sởi thấp mới đạt khoảng 91,9%, trong khi đó so với yêu cầu đạt ít nhất 95% để ngăn ngừa sự lây lan của vi-rút sởi...

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước có hơn 27 nghìn người sốt phát ban nghi sởi, trong đó 4.864 người mắc sởi dương tính và một người chết. Đáng lo ngại, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Các địa phương có số người sốt phát ban và số người sởi dương tính cao là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau… Cả nước cũng có gần 18 nghìn người mắc bệnh TCM, trong đó có gần 11 nghìn người nhập viện điều trị và hai người chết. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc bệnh trên cả nước tăng 22,1%, số trường hợp nhập viện tăng 32,6%; tuy nhiên so với cùng kỳ giai đoạn 2013 - 2017, số nhập viện giảm 45%. Cả nước có gần 68 nghìn người mắc bệnh SXH, trong đó có bốn người chết. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 3,1 lần. Thời gian qua, ở nước ta tiếp tục nghi nhận các trường hợp mắc các bệnh: ho gà, viêm não vi-rút, viêm não Nhật Bản… tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Kiên Giang…

Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho rằng: Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2019, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát do đang trong cao điểm mùa dịch. Ngoài ra, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh vẫn còn thách thức như: khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho ngành y tế; kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn ở cả T.Ư, lẫn địa phương và chưa được cấp kịp thời. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy, đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế quyết tâm giám sát kịp thời, không để dịch bùng phát và lây lan rộng tại cộng đồng. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn sự bùng phát dịch trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng như: thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, diệt bọ gậy tại các vật dụng chứa nước trong nhà và khu vực chung quanh…

Các địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo quản, vận chuyển vắc-xin; kiểm tra vắc-xin, dung môi trước khi sử dụng. Thực hiện tốt công tác khám sàng lọc, nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng và tránh tạm hoãn không phù hợp, cũng như không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đối với các trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính, cấp tính nhưng tình trạng sức khỏe ổn định. Tiếp tục truyền thông mạnh mẽ đến mọi người dân về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh, những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm chủng và cách theo dõi, chăm sóc; phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm chủng. Các đơn vị y tế cần thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức cho các bác sĩ, cán bộ tiêm chủng về khám sàng lọc trước tiêm, hướng dẫn cách theo dõi, xử trí trường hợp phản ứng sau tiêm chủng trên địa bàn mình phụ trách.