Chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

Những ngày này, dịch Covid-19 ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp. Nguy cơ dịch lây lan đến cả từ bên ngoài (thông qua những trường hợp nhập cảnh hợp pháp và bất hợp pháp) lẫn bên trong (đã có hàng chục ca lây nhiễm cộng đồng).

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Hưng Yên.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Hưng Yên.

 Do vậy, chúng ta vừa phải tiếp tục ngăn dịch từ bên ngoài, đồng thời huy động mọi lực lượng xử trí triệt để các ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng...

Khoanh vùng, xử lý triệt để

Sau 34 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, tuần qua (từ ngày 27-4 đến 5-5) Việt Nam ghi nhận 56 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ðầu tiên là ca bệnh 2.857 bị lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly ở Yên Bái; sau đó đến ca bệnh 2.899 ở xã Ðạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) không thực hiện nghiêm các quy định sau cách ly tập trung đã làm lây lan dịch cho nhiều người ở cùng xã, thậm chí có người ở Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh. Ðến thời điểm này, ca bệnh 2.899 được xếp vào ca "siêu lây nhiễm" khi lây cho 19 người khác. Trong khi đó, Vĩnh Phúc đang trở thành "điểm nóng", liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19, phần lớn đều liên quan đến trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen ở TP Vĩnh Yên và quán ka-ra-ô-kê ở TP Phúc Yên. Tại Hà Nội, sau 73 ngày không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng, thì từ ngày 29-4 đến nay đã ghi nhận năm ca mắc Covid-19, đều liên quan ổ dịch ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, hoặc mới nhất là ca bệnh 2.986, được phát hiện sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Ðặc biệt ngày 5-5 phát hiện 14 người là nhân viên y tế, người nhà người bệnh và người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Ðông Anh mắc Covid-19.

Ngay sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 tại các địa phương, Bộ Y tế tổ chức đoàn công tác với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn và khuyến cáo các biện pháp xử lý ổ dịch. Tinh thần chung là các địa phương cần kích hoạt tất cả các biện pháp chống dịch, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị sẵn sàng triển khai ngay các giải pháp theo năm nguyên tắc (ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch) và phương châm bốn tại chỗ. Chuẩn bị cơ sở, vật chất, nhân lực và các điều kiện bảo đảm sẵn sàng chống dịch ở tất cả các cấp.

Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các lực lượng chức năng phải tập trung thần tốc truy vết F1. Không chỉ ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an, để tránh sót mẫu, trốn dịch tễ. Chúng ta chậm giờ nào là càng tăng mức độ nguy hiểm giờ đó, rất có thể chỉ hai ngày F1 sẽ thành F0. Các địa phương có ca bệnh phải theo đúng hướng dẫn bài bản của Bộ Y tế, thực hiện triệt để, nếu không sẽ rất phức tạp. Phải truy thần tốc tất cả các mẫu dịch tễ, tránh bỏ sót, nếu phát hiện F1 thì đưa ngay ra khỏi cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm đơn, tuyệt đối không gộp mẫu.

Cùng với truy vết là phong tỏa triệt để các khu vực có ca bệnh để ngăn chặn nguồn lây lan. Do đó phải yêu cầu giãn cách triệt để, nhà cách ly nhà, không để người này sang nhà người kia trong khu phong tỏa. Các địa phương tổ chức giám sát tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng. Tất cả những trường hợp này phải cách ly tại nhà, lấy mẫu đơn xét nghiệm ngay. Ðây là những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm, đặc biệt là tại khu vực lân cận nơi các ca bệnh sinh sống, giao lưu. Các địa phương cần thành lập ngay các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, mỗi tổ phụ trách 30 đến 50 người để đi từng ngõ, gõ từng nhà, theo dõi chặt từng trường hợp, nếu ho, sốt thì báo cáo lấy mẫu xét nghiệm ngay.

Tiếp tục ngăn dịch xâm nhập từ bên ngoài

Các ca nhiễm Covid-19 tại cộng đồng được ghi nhận trong những ngày qua đều chưa bị "mất dấu", vẫn xác định được nguồn lây. Các ca lây nhiễm ở trong nước đều có xuất phát từ nước ngoài, cho nên nguy cơ lớn nhất vẫn là người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Không chỉ các tỉnh biên giới Tây Nam, mà ngay cả Hà Nội, Vĩnh Phúc… cũng phát hiện rất nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Những ca nhập cảnh trái phép mang mầm bệnh nếu gây ra các ổ dịch trong cộng đồng thì rất nguy hiểm. Do vậy các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới tập trung ngăn chặn nạn nhập cảnh trái phép. Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, vấn đề trọng tâm và lo ngại hiện nay đối với các tỉnh Tây Nam Bộ là nếu xuất hiện ca bệnh lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, các địa phương sẽ phản ứng lúng túng hơn trong việc cách ly, điều trị, bởi vì lâu nay các ca bệnh ở khu vực này chủ yếu là ca bệnh nhập cảnh, được phát hiện trong khu cách ly.

Nguy cơ dịch từ những người nhập cảnh hợp pháp cũng tương đối lớn. Nước ta vẫn tiếp nhận các chuyên gia vào làm việc hoặc đón công dân bị kẹt ở nước ngoài về. Những người này đều được cách ly ngay, khi phát hiện mắc Covid-19 đều được đưa đến các cơ sở y tế điều trị, nên khả năng lây lan ra cộng đồng thấp. Nhưng nếu các đối tượng này không được cách ly đúng quy định thì trở thành các ổ dịch có thể lây lan ra cộng đồng. Như trường hợp người bệnh ở Yên Bái lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Ðộ; ca bệnh 2.899 được xác định dương tính với SARS- CoV-2 sau khi rời khu cách ly tập trung; trường hợp chuyên gia người Ấn Ðộ sau khi cách ly tại Hải Phòng về khu đô thị Times City (Hà Nội) đã bị phát hiện dương tính SARS- CoV-2 (ca bệnh 2.986). Chính vì vậy, ngày 4- 5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội và dân sự) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (ít nhất 14 ngày, xét nghiệm hai lần âm tính).

Ðợt dịch sau được đánh giá khốc liệt hơn đợt dịch trước, cho nên công tác ứng phó cũng cần thay đổi cho phù hợp tình hình. Không chỉ Bộ Y tế, mà tất cả các địa phương cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ cơ sở, trang thiết bị, vật tư bảo đảm đầy đủ cho phòng, chống dịch, điều trị phù hợp với diễn biến tình hình. Những địa phương có nguy cơ cao, phải tăng cường năng lực xét nghiệm, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn mà không xác định được tình hình kịp thời do thiếu năng lực xét nghiệm; rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, bảo đảm cách ly tuyệt đối an toàn, không để lây nhiễm chéo, đồng thời có phương án mở rộng các khu cách ly, sẵn sàng cho trường hợp có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Quang Minh