Chín tuổi chỉ nặng như trẻ 1,5 tuổi, bác sĩ cảnh báo bệnh thiếu hormone tăng trưởng

NDO -

Bé H.V (Thái Bình) bước vào năm chín tuổi chỉ nhỉnh hơn một em bé 1,5 tuổi với chiều cao 79 cm và nặng 9 kg. Suốt chín năm qua, em sống khép mình, không thể tự chủ được vệ sinh, không có cơ hội đến trường như các bạn bè cùng trang lứa. Bệnh lý suy tuyến yên bẩm sinh đã cướp đi tuổi thơ của em nhiều năm qua. 

TS, BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho cháu bé.
TS, BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho cháu bé.

Nỗi ám ảnh vì con không lớn

N.H.V (Thái Bình) khá nhút nhát khi tiếp xúc với người khác. Từ khi có nhận thức, bé luôn tỏ ra tức giận, cáu kỉnh hoặc thu hẹp mình lại khi bị chê bé, còi.

Mẹ của bé V. - chị Q.T.T cho biết, V. chào đời năm 2009 với 2,8kg. Cháu bé phát triển bình thường đến tháng thứ 5, nặng 5 kg. Tuy nhiên, chín tháng sau đó, V. không tăng lên lạng nào. Gia đình khăn gói lên Hà Nội khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được các bác sĩ chẩn đoán suy dinh dưỡng. “Nếu sáu tháng sau, con không lên lạng nào thì lại mang đến đây khám", bác sĩ khám cho bé nói.

Chị T. lại cho con về nhà chăm bẵm. Nhưng mỗi bữa, bé chỉ ăn được một thìa cơm. Ăn ít, phát triển chậm, sáu tháng sau cân vẫn đứng im tại chỗ, gia đình lại cho con lên Hà Nội khám lần 2. Lần này, kết quả cũng không khác lần trước.

Ba năm sau, nỗi sốt ruột tăng dần, chị T. lại cho con lên Viện Dinh dưỡng quốc gia khám. Niềm hy vọng mang về là thuốc bổ và sữa với hy vọng sau ba tháng con mình sẽ tăng cân. “Ba tháng sau, con tôi tăng được hai lạng”, chị T. nói.

Quyết tâm tìm ra bệnh lý của con, năm bé hơn sáu tuổi, gia đình lại cho bé H. lên Hà Nội để khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. “Các kết quả xét nghiệm của cháu bé bình thường, tôi chán không muốn cho con đi khám nữa”, chị T. nói.

Thời điểm này, bé ở tuổi bước vào lớp 1. Năn nỉ, xin xỏ mãi, nhà trường đồng ý cho con chị được đến trường. Nhưng ngặt nỗi, bé V. không tự chủ được vệ sinh, chưa biết tự chăm sóc bản thân. V. lúc nào cũng phải có mẹ chăm sóc, bế đi lại, phục vụ như trẻ một tuổi.

Chín tuổi chỉ nặng như trẻ 1,5 tuổi, bác sĩ cảnh báo bệnh thiếu hormone tăng trưởng -0
 Bé V. đã tăng được 29 cm. 

Chỉ nặng 9kg, cao chỉ 79 cm, V. trở thành tâm điểm trêu chọc của bạn bè. Rồi cứ năm này qua năm khác, V. học đi học lại lớp 1, cho tới khi cậu em trai kém hai tuổi cũng vào lớp 1, hai chị em lại học cùng lớp. Học mãi không lên được lớp, nhà trường khuyên gia đình nên cho con đi học ở trường dành cho trẻ đặc biệt.

Chị T. kể, bé V. phát triển ngôn ngữ bình thường, những chuyện ở lớp về đều kể cho bố mẹ nghe. Thấy em trai học viết chữ thế nào, em cũng học theo như vậy. Chỉ có điều, cân nặng vẫn không xê dịch.

Năm 2019, vào độ tuổi con chuẩn bị dậy thị, chị T. một lần nữa quyết tâm lên Hà Nội khám cho con với kỳ vọng “xem có thuốc gì kích cho con mau lớn”.

Tiếp nhận cháu bé, TS, BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi V. 9,5 tuổi nhưng sự phát triển về thể chất chỉ tương đương trẻ 1,5 tuổi. “Trẻ phát triển chậm ở mức độ rất nặng. Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện trẻ bị suy tuyến yên bẩm sinh, đặc biệt thiếu hormone tăng trưởng nặng”, BS Dũng nói.

Không từ bỏ cơ hội

Xác định là một trường hợp phát triển rất chậm, được can thiệp muộn, nhưng các bác sĩ vẫn rất quyết tâm điều trị cho cháu bé. V. được điều trị hormone tăng trưởng thay thế hormone thiếu hụt và may mắn trẻ đáp ứng rất tốt.

BS Dũng cho biết, 12 tháng đầu tiên sau điều trị, cháu bé tăng 18 cm và trong 10 tháng tiếp theo, bé tăng được 11cm. Như vậy, trong 22 tháng điều trị, cháu bé tăng 28 cm, tăng 10 kg so với trước (cân nặng đạt 19,6 kg). 

“Đây là trường hợp đáp ứng tốt và rất điển hình của thiếu hụt hormone tăng trưởng do suy tuyến yên nặng. Dù cháu bé được chẩn đoán muộn nhưng việc đáp ứng điều trị rất tốt”, BS Dũng nói.

Chín tuổi chỉ nặng như trẻ 1,5 tuổi, bác sĩ cảnh báo bệnh thiếu hormone tăng trưởng -0
 Bé V. được thăm khám chiều 17-12.

Về lộ trình điều trị cho cháu bé, BS Dũng cho biết thêm, mục đích điều trị hormone để trẻ đuổi kịp tốc độ tăng trưởng đúng tuổi và giới của cháu. Khi đạt được mức độ đó, mục tiêu tiếp theo là duy trì tốc độ lớn của cháu bé.

Những cháu thiếu hormone tăng trưởng nặng và bẩm sinh như V. sẽ được điều chỉnh khi cháu bé đạt chiều cao bình thường. Đến năm 16-18 tuổi, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng thiếu hụt hormone để quyết định có chuyển tiếp sang điều trị hormone  tăng trưởng ở liều người lớn để duy trì chức năng chuyển hóa của cơ thể. Nếu điều trị kiên trì, V. sẽ đạt được đến 80% chiều cao như người bình thường.

Trong suốt năm qua, chị T. là người tiêm hormone cho con tại nhà vào mỗi tối. Ban đầu bé cũng rất phản ứng. Chị T. động viện con "Nếu con muốn làm công an thì phải tiêm nhiều mới bắt được cướp", nên dần dần bé V. chịu tiêm. 

Ngày hôm nay, bé V. được mẹ đưa đến khám định kỳ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Chị T. tâm sự, đến nay, bé V. đã tự tin hơn rất nhiều, có thể tự đi vệ sinh. Bé có thể ăn được hai lưng bát cơm một bữa và đặc biệt không còn hay ốm như trước. "Tôi chỉ mong xem bác sĩ chữa để con lớn có thể tự chăm sóc được bản thân. Cháu đã phát triển được thế này là tôi đã mãn nguyện rồi", chị T. hạnh phúc nói. 

Vấn đề chiều cao là mối quan tâm lớn của nhiều gia đình. Gần đây, nhiều gia đình cho con đi khám khi thấy con không có được chiều cao như bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, số cháu bé thật sự cần phải điều trị bệnh lý chỉ chiếm 10%.  

Trung bình mỗi ngày có 20 cháu đến khoa Nội tiết - Chuyển hóa khám vì vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao. Có nhiều gia đình cho con đến khám rất muộn. "Có nhiều ca ở Nghệ An, Hà Tĩnh đưa con đến với chúng tôi rất tiếc vì 17 tuổi mà chiều cao và cân nặng chỉ như một trẻ chín tuổi. Những trường hợp này can thiệp quá muộn, trẻ không dậy thì được, không thể có con", BS Dũng nói. 

Chín tuổi chỉ nặng như trẻ 1,5 tuổi, bác sĩ cảnh báo bệnh thiếu hormone tăng trưởng -0
 Bé V. có hy vọng đạt được tới 80% chiều cao so với bạn bè trang lứa.

Năm năm qua, khoa Nội tiết – Chuyển hóa đang quản lý 400 bệnh nhi. Theo BS Dũng, số lượng này chưa phản ánh hết được tỷ lệ bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng vì chắc chắn vẫn còn nhiều cháu đến khám ở các cơ sở khác hoặc chủ yếu đi khám dinh dưỡng.

BS Dũng cũng cho biết, ở cháu mức độ nhẹ và thiếu hormone tăng trưởng không rõ nguyên nhân, sau khi đánh giá mức độ bài tiết hormone tăng trưởng tự nhiên của cơ thể đạt mức độ bình thường sẽ không cần điều trị ở tuổi trưởng thành.

"Trong vòng sáu tháng, đặc biệt trong một năm thấy chiều cao của cháu bé dừng lại, tăng không quá 4 cm là có vấn đề về tăng trưởng chiều cao. Khi đó, chúng ta nên cho trẻ đi khám sớm để can thiệp kịp thời", BS Dũng khuyến cáo.